Thời sự

Nạo vét luồng lạch, nhấn chìm trầm tích biển là cấp thiết

07/11/2017, 19:23

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Báo Giao thông trưa nay (7/11).

BT Ha

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao đổi với PV Báo Giao thông, các cơ quan báo chí về công tác nạo vét luồng cảng, trưa 7/11. Ảnh: Xuân Huy

Trong ngày (7/11), Bộ trưởng Trần Hồng Hà trực tiếp cùng Bí thư tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, các đơn vị chức năng kiểm tra công tác khắc phục bão số 12, hiện trường vụ tàu đắm vào công tác trục vớt các tàu hàng gặp nạn trên biển Quy Nhơn…

Lãnh đạo địa phương lo ngại khi nhiều tàu đắm ngay khu vực giữa phao số 3-5 gây cản luồng tàu thuyền ra vào cảng, ách tắc lưu thông, sụt giảm tình hình sản xuất kinh doanh…

Đặc biệt, theo các chuyên gia, hậu quả bão số 12 chắc chắn làm gia tăng vấn nạn bồi lắng luồng lạch cảng Quy Nhơn. Giảm khả năng khai thác tàu thuyền trọng tải lớn, kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến pát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết: các đơn vị chức năng đang nghiên cứu triển khai các bước dự án “Nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn năm 2017”. Đây được xem là dự án cấp thiết và thường xuyên của ngành hàng hải trên địa bàn. Đặc biệt, địa phương có sản lượng khai thác tàu hàng lớn như Bình Định.

Tháng 6/2017, Cục Hàng hải Việt Nam ban hanh Quyết định 837 triển khai dự án với khối lượng bùn nạo vét  gần 440.000m3.

bo-truong-TNMT-kiem-tra-QN-18

Bộ trưởng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiểm tra hiện trường biển Quy Nhơn sau bão số 12. Ảnh Xuân Huy

Theo tính toán của đơn vị tư vấn dự án, có 2 vị trí nạo vét trên luồng cảng Quy Nhơn, cùng các phương án tối ưu về phương tiện, vận tải, khu vực nhấn chìm theo chủ trương của Bình Định. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về yếu tố tác động môi trường, công tác nhấn chìm “chất thải” kéo theo một số hệ lụy liên quan môi trường biển, các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất trên biển…

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Quá trình nạo vét luồng lạch cảng biển là cần thiết, cần phải làm. Không riêng các cảng biển Việt Nam, các nước trên thế giới đều phải thực hiện khâu đoạn này, nạo vét và nhấn chìm vật chất nạo vét.

Theo Bộ trưởng Hà, cần phải phân biệt đây không phải là chất thải mà là dạng phù sa, bùn cát, một trầm tích vật chất của biển. “Vấn đề ở đây là việc triển khai thế nào? Địa phương, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt. Trong quá trình nhấn chìm phải luôn luôn giám sát chặt chẽ, đảm bảo các quy định, quy trình hiện hành”, Bộ trưởng Hà nói.

bo-truong-TNMT-kiem-tra-QN-2

Việc nạo vét luồng cảng Quy Nhơn là cấp thiết, nâng cao năng lực làm hàng cho các tàu lớn, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, nhiều quốc gia trên thế giới còn nhấn chìm cả chất thải. Nhưng nó được kết hợp với các chất để cứng hóa, bê tông hóa hoặc cô lập hóa hoàn toàn. Bộ khuyến cáo để các địa phương có thể kết hợp khi nhấn chìm tính toán đến những khu vực, vị trí có thể triển khai nhiều mục đích khác như lấn biển, san lấp biển. Bùn đất nạo vét này cũng là một dạng tài nguyên và vấn đề là chúng ta sử dụng nó thế nào? Tìm được giải pháp tối ưu nhất.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng: khi có cảng là đã có công tác nạo vét luồng lạch. Đây là việc làm thường xuyên, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khảo sát, nghiên cứu đánh giá cụ thể.

Trước đó, từ năm 2013, cảng Quy Nhơn tiến hành nạo vét luồng lạch. Năm 2014-2015, chủ dự án thực hiện công tác giám sát chất lượng môi trường dự án. Năm 2016  cảng này chưa thực hiện nạo vét du tu luồng nên công tác này trong năm 2017 là hết sức cấp thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.