Hồ sơ tài liệu

NATO bất lực trước Nga trong khủng hoảng Ukraine

02/04/2014, 06:47

Hôm qua và hôm nay, Ngoại trưởng 28 nước thành viên NATO có cuộc họp bàn tại Brussels, Bỉ nhằm tìm cách hỗ trợ Ukraine, trấn an các đồng minh tại khu vực Đông Âu.

Người dân Ukraine ủng hộ Nga phản đối NATO
Người dân Ukraine ủng hộ Nga phản đối NATO


Hợp tác nhưng chưa dám kết nạp

Tại cuộc họp này, các bộ trưởng NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) bàn thảo về việc chính thức ngừng quan hệ hợp tác với Moscow. Trước đó, ngay sau khi Crimea tuyên bố ly khai Ukraine và trở về “vòng tay” đất mẹ Nga, NATO thông báo sẽ không tổ chức bất cứ cuộc họp cấp thấp nào với các đồng minh Nga, đồng thời sẽ đình chỉ các nhiệm vụ quốc tế chung giữa 2 bên liên quan đến vũ khí hóa học Syria. Một quan chức ngoại giao cấp cao của NATO nhận định, có thể NATO và Nga vẫn họp với nhau, tuy nhiên “những mối quan hệ hợp tác kinh tế, quân sự sẽ bị đóng băng trong thời gian tới”.


Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng NATO cùng Ngoại trưởng Ukraine - Andriy Deshchytsia nhất trí tiếp tục hợp tác với các lực lượng vũ trang của Ukraine trong các lĩnh vực đào tạo sĩ quan, tổ chức tập trận chung, hỗ trợ nước này cải tổ quốc phòng, nâng cao hiệu quả quân đội.
 

Nhật báo “Vedomosti” số ra ngày 1/4 cho biết, Mỹ trên thực tế đã ngừng các cuộc đàm phán với Nga về trao đổi thông tin thuế quan theo Đạo luật tuân thủ về thuế đối với chủ tài khoản tại nước ngoài (FATCA) do Chính phủ Mỹ ban hành năm 2010. Đây là dấu hiệu cho thấy, mức độ rạn nứt ngày càng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Washington và Moscow sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Tuy nhiên, lãnh đạo NATO tuyên bố “trong tương lai gần” tổ chức này giúp Ukraine cải tổ lực lượng vũ trang thay vì kết nạp. Bởi, NATO vẫn muốn “giữ kênh đối thoại mở với Nga”.

Ngay trong cuộc đàm phán giữa hai Ngoại trưởng Nga - Mỹ vừa qua, ông Sergei Lavrov - Ngoại trưởng Nga bày tỏ mong muốn Ukraine xây dựng một hiến pháp mới tuyên bố nước này là một đất nước trung lập, không gia nhập NATO. Hiện Nga đang cần giữ những quốc gia phía Tây như Ukraine, Belarus làm vùng đệm để ngăn cản sự mở rộng về phía Đông của NATO. Hiện, phía Tây Bắc Nga, các quốc gia như Estonia, Latvia, Lithuania…đều đã là thành viên của tổ chức này. 


Trước đó, người phát ngôn chính phủ Đức - ông Steffen Seibert đã bác bỏ kế hoạch “Đông tiến” của NATO và “điều đó không thực sự cần thiết vào lúc này”.


Tới đây, những cuộc tuần tra của NATO trên không phận khu vực các nước Đông Âu sẽ diễn ra thường xuyên đều đặn như một hành động giúp trấn an các nước này. Tuy vậy, nhiều chỉ trích cho rằng, kế hoạch này chỉ làm căng thẳng thêm cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Giá khí đốt bán cho Ukraine tăng hơn 40%


Hôm qua, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Gazprom - Alexei Miller cho biết, Ukraine sẽ phải trả giá 385,5 USD/1.000m3 khí đốt (mức giá trước đó là 285,5 USD khi cựu Tổng thống thân Nga - Viktor Yanukovych chưa bị lật đổ) - tăng hơn 40%. Mức giá này cao hơn mức 370 USD mà Gazprom bán cho các nước EU. Ông Miller cũng cho biết, Ukraine vẫn còn thiếu nợ công ty này 1,5 tỷ USD tính đến hôm qua.


Các nhà quan sát nhận định, với mức giá này, rõ ràng Moscow đang muốn gây sức ép lên chính quyền Kiev. Trước đó, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk kêu gọi một nguồn cung năng lượng từ châu Âu để bảo vệ quốc gia mình trước những cú đòn kinh tế từ Nga trong cuộc đối đầu vì bán đảo Crimea.


Đối với Crimea, Nga lên kế hoạch hỗ trợ xây dựng một đường ống dẫn khí dưới biển tới nước này, đồng thời sẽ xây dựng thêm 3 nhà máy điện trên bán đảo Biển Đen - Reuters trích lời Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói ngày hôm qua. Trả lời tờ báo kinh doanh Kommersant, ông Novak cho biết, dự án xây dựng 3 nhà máy điện dự kiến có tổng công suất 1.320 MW ước tính chi phí lên tới 100 tỷ rúp (2,9 tỷ USD). Về kế hoạch đường ống dẫn khí ngầm dưới biển tới Crimea, công ty năng lượng Gazprom tuyên bố sẽ chịu toàn bộ chi phí xây dựng, đồng thời sẽ tham gia vào quá trình tư nhân hóa công ty năng lượng Chernomorneftegaz tại đây. 


Một quan chức Bộ Năng lượng Nga trả lời tờ báo Vedomosti rằng, Công ty Gazprom có khả năng xây dựng một đường ống dẫn dầu dài 400km từ thành phố Krasnodar (Nga) đến thành phố chính Sevastopol (Crimea) với công suất 10 tỷm3/năm; hoặc xây đường ống dẫn dầu từ thành phố Anapa (Nga) tới Crimea với dự kiến chi phí lên tới 200 - 300 triệu USD.

Trang Trần - Quang Minh

(Theo BBC, Reuters)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.