Thời sự Quốc tế

NATO: Phương Tây sẽ hỗ trợ Ukraine kể cả khi chiến sự chấm dứt

26/06/2022, 08:02

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự báo xung đột tại Ukraine có thể kết thúc nhưng NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Ngày 25/6, chia sẻ với báo Tây Ban Nha El Pais, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết xung đột giữa Nga-Ukraine có thể kết thúc bằng thỏa thuận đàm phán nhưng điều này không có nghĩa phương Tây dừng viện trợ vũ khí cho Kiev hoặc giảm áp lực trừng phạt lên Moscow.

"Khả năng cao nhất là chiến sự sẽ kết thúc trên bàn đàm phán”, ông Stoltenberg nói, đồng thời khẳng định “trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo Ukraine ở vị trí mạnh nhất có thể và hỗ trợ Kiev duy trì vị thế là một quốc gia châu Âu độc lập và có chủ quyền”.

Tổng thư ký NATO cho rằng cách tốt nhất để nâng cao vị thế của Kiev trước các cuộc đàm phán với Moscow là “hỗ trợ quân sự mạnh mẽ, hỗ trợ kinh tế (cho Ukraine) và đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga”.

img

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Tuy nhiên, ông Stoltenberg từ chối đưa ra dự báo thời điểm các cuộc đàm phán giữa Nga-Ukraine được nối lại.

Khi được hỏi liệu việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev có đang “thêm dầu vào lửa” cho cuộc xung đột và làm gia tăng số người thiệt mạng tại Ukraine, ông Stoltenberg cho biết “chúng tôi giúp đỡ họ theo như những gì họ yêu cầu”.

Tổng thư ký NATO cũng khẳng định bất chấp việc Mỹ và Liên minh châu Âu cung cấp vũ khí cho Ukraine, không hề có xung đột xảy ra giữa NATO và Nga.

Nga đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ làm kéo dài cuộc xung đột và làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng xung đột tại Ukraine thực chất là một cuộc chiến ủy nhiệm do liên minh quân sự NATO đứng dầu để đối trọng với Moscow.

Không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, các phái đoàn đàm phán của hai bên đã tổ chức một số vòng đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa hai bên gián đoạn sau cuộc gặp cuối cùng tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3.

Ban đầu, Nga tỏ ra khá lạc quan về kết quả của cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sau đó đã cáo buộc Ukraine rút lui khỏi các thỏa thuận đã đạt được và cáo buộc phía Ukraine thường xuyên thay đổi lập trường khi đề cập đến các vấn đề đã được nhất trí trong các cuộc đàm phán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.