Pháp luật

Nếm quả đắng vì độc chiêu lừa tình của "bạn trai Tây"

07/12/2014, 10:56

Trong thời gian qua đã có nhiều phụ nữ đến cơ quan điều tra để tố cáo hành vi lừa đảo của một số đối tượng ngoại quốc mà họ có cảm tình gài bẫy…

Nhiều phụ nữ kết bạn qua mạng đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo (Ảnh: CAND)
Nhiều phụ nữ kết bạn qua mạng đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo (Ảnh: CAND)

Thông tin trên Công an TP. HCM cho biết, đầu tháng 4/2014, chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận 8) nhận được lời mời kết bạn của một kỹ sư tên Alexander Hopperson (37 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ). Qua trò chuyện thấy tính tình Alex cởi mở, lịch sự, có nghề nghiệp đàng hoàng nên chị Hoa hoàn toàn tin tưởng và chấp nhận kết bạn. Ngày 6/4, Alex bảo muốn dành sự bất ngờ và hỏi Hoa địa chỉ nhà ở Việt Nam để gửi quà về.

Bốn ngày sau, Công ty chuyển phát nhanh Paracel, đóng tại Malaysia thông báo cho Hoa biết Alex có gửi cho chị món quà, nhưng Hoa phải đóng tiền thuế 1.000 USD vào số tài khoản của Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở Ngân hàng Sacombank. Thấy mức phí quá cao nên chị Hoa điện thoại thì Alex giải thích, sở dĩ phải đóng phí vì ngoài món quà bí mật, anh ta còn gửi kèm 20.000 USD để Hoa tiêu xài. Quá cảm kích trước tấm thâm tình của bạn trai nên Hoa vui vẻ nộp phí. Sau đó, Hoa tiếp tục nhận được thông báo: “Quá trình kiểm tra bưu kiện của bạn, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phát hiện trong gói quà có chứa số tiền lớn, vi phạm các chính sách vận chuyển, nên bạn phải thanh toán thêm 2.000 USD...”.

Quá bất ngờ trước tình huống trên, Hoa điện thoại hỏi thì Alex bảo trong gói quà có tổng cộng 320.000 USD. Số tiền này Alex dành dụm để ít ngày nữa sang Việt Nam tính chuyện hạnh phúc trăm năm. Chưa kịp đóng tiền thì Hoa lại nhận được thông báo phải đóng thêm 4.000 USD phí sân bay. Trong thời hạn hai ngày nếu Hoa không nộp phí thì thùng quà sẽ gửi trả lại người gửi. 

Chót “đâm lao phải theo lao”, chị Hoa muối mặt vay mượn tiền của người thân, bạn bè với hy vọng quà sớm đến tay sẽ có tiền trả nợ. Cuối giờ chiều 10/4, Hoa nhận được điện thoại của nhân viên công ty chuyển phát nhanh bảo đã đem hàng về đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng phải đóng thêm 6.000 USD “phí môn bài”. Lúc này Hoa thật sự choáng váng. Không thể vay mượn được tiền ở đâu, nên đành buông xuôi.

Xác minh số tài khoản của Nguyễn Thị Tuyết Nhung thì người này đã theo chồng sang nước ngoài định cư cách đây bốn năm. Đến lúc này Hoa mới bừng tỉnh, nhận ra mình bị rơi vào bẫy.

Để làm tin, nhiều lần Alexander Hopperson gửi hình của mình cho chị Hoa
Để làm tin, nhiều lần Alexander Hopperson gửi hình của mình cho chị Hoa

Bằng thủ đoạn trưng ra những món hàng có giá trị từ nước ngoài gửi về, sau đó viện lý do đóng cước, thuế, tháng 10/2014, chị Trần Thị Phương (quê Cà Mau) cũng bị nhóm người nước ngoài lừa và chiếm đoạt 30 triệu đồng.  

Trong khi đó, theo Công an nhân dân, cùng cảnh ngộ với chị Hoa, chị Phương còn có bà Đinh Thị Diệu (ngụ quận 7). Tháng 7/2011, khi bà Diệu tham gia vào một trang mạng xã hội (địa chỉ www.tagged.com) thì có một người đàn ông xưng tên Renzo Roland (47 tuổi) "nhảy vào" làm quen. Sau một tháng quen trên mạng, Renzo Roland nói sẽ về Việt Nam để làm đám cưới với bà Diệu.

Đến ngày ghi trên vé máy bay (vé gửi qua email), bà Diệu ra sân bay Tân Sơn Nhất để đón nhưng không thấy ông Renzo Roland đâu và cũng không có chuyến bay nào như ông Renzo Roland nói. Ngay sau đó, Renzo Roland gọi điện thoại cho bà Diệu nói là đang ở sân bay Nội Bài - Hà Nội và đang bị Hải quan sân bay bắt giữ do mang tiền theo với số lượng lớn. Renzo Roland nhờ bà Diệu giúp 1.000 USD để đóng phạt, khi lấy tiền ra được Renzo Roland sẽ trả lại.

Theo hướng dẫn của Renzo Roland, bà Diệu chuyển tiền vào tài khoản số tiền 20.810.000 đồng (tương đương 1.000 USD). Sau khi nhận được tiền trên, Renzo Roland tiếp tục yêu cầu bà Diệu đưa tiếp 3.000 USD để "lót tay" cho cán bộ sân bay để vụ việc được giải quyết nhanh chóng. Mặc dù không có tiền, nhưng bà Diệu cũng cố vay mượn và chỉ gửi thêm được 10.420.000 đồng (tương đương 500 USD).

Không dừng lại ở đó, Renzo Roland tiếp tục yêu cầu bà Diệu gửi thêm tiền để mua đồ ăn vì nhân viên sân bay không cho ăn uống. Xót lòng, bà Diệu chắt chiu gửi tiếp 2 triệu đồng cho Renzo Roland. Sau khi nhận được tiền, Renzo Roland lại tiếp tục yêu cầu bà Diệu phải gửi thêm tiền. Thấy mình đã bị lừa, bà Diệu không gửi tiền nữa và trình báo với cơ quan điều tra.

Với những thủ đoạn như trên, các đối tượng người nước ngoài đã lừa rất nhiều phụ nữ tìm bạn qua mạng. Để thu hút đối phương, bọn chúng thường ngụy tạo vỏ bọc là người thành đạt, giàu có… để đánh vào lòng tham của những phụ nữ nhẹ dạ và sau đó là đến việc lừa tiền.

Tất cả các trường hợp lừa đảo như trên đều có điểm chung là việc trao đổi thông tin với nhau chỉ qua tin nhắn điện thoại, email hoặc chat. Còn các loại tiền, quà, từ nước ngoài gửi về, mặc dù người nhận đã đóng đủ các loại phí theo yêu cầu của người gửi nhưng thực tế không có món tiền hoặc thùng hàng nào được đưa về địa chỉ nhận người.

P.V (Tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.