Giao thông

Nên cấm xe chở loại hàng gì qua hầm đường bộ?

07/09/2017, 06:05

Xe bồn, xe chở khí hóa lỏng, chở xăng dầu, xe chở gia súc đang bị cấm không được qua hầm đường bộ...

1

Quy định cấm một số loại phương tiện chở hàng hóa nguy hiểm lưu thông qua hầm đường bộ vẫn còn gây tranh cãi (Các phương tiện lưu thông qua hầm Đèo Ngang - Ảnh: Xuân Huy)

Kể từ khi hầm đường bộ đầu tiên là hầm Hải Vân đi vào khai thác (năm 2005), xe ô tô chở hàng nguy hiểm bị cấm qua hầm theo Nghị định 104/2009. Đến nay, có thêm nhiều hầm hiện đại khác được đưa vào khai thác, nhiều ý kiến đề xuất nên xem xét nới lỏng quy định này với một số loại phương tiện để hạn chế TNGT trên những đường đèo nguy hiểm và tiết kiệm chi phí...

Lo tai nạn đường đèo, đề xuất đi qua hầm

Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên tuyến QL1 qua địa bàn các tỉnh miền Trung, phần lớn các tuyến đường đèo đều đã có các công trình hầm đường bộ đưa vào khai thác. Ngoài xe máy được phép lưu thông trong hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, các phương tiện trong danh mục cấm theo Nghị định 104/2009 của Chính phủ bao gồm: Xe bồn, xe chở khí hóa lỏng, xe chở xăng dầu, xe chở gia súc… bị cấm lưu thông qua các hầm Hải Vân, Đèo Cả. Các phương tiện này vẫn phải vượt đèo, dẫn đến một số vụ TNGT khá thương tâm.

Điển hình ngày 4/3/2016, xe bồn khí gas BKS 29R-0586 chạy hướng Nam - Bắc, đến khúc cua tại Km 913+560 đèo Hải Vân (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) chỉ cách vị trí kho xăng dầu chừng 100m, bất ngờ bị lật. Nghiêm trọng hơn, ngày 17/11/2016, khi đang lưu thông qua đèo Hải Vân theo hướng Đà Nẵng - Huế, xe chở xăng dầu BKS 43C-078.. mất lái lao xuống vực. Vụ tai nạn khiến lái xe chết tại chỗ và phụ xe bị thương nặng, xe bồn bẹp dúm, biến dạng hoàn toàn, nằm ở vực sâu cách mặt đường hơn 200m. 

Nhiều nước quy định chặt chẽ phương tiện qua hầm

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, khó lường hết được hậu quả khi cho loại xe chở xăng dầu, khí hóa lỏng… chạy trong hầm, nhất là đối với các hầm có độ dài lớn như Hải Vân hơn 6km, Đèo Cả trên 4km. Ông Toàn lấy dẫn chứng tại Pháp, ô tô qua hầm được trung chuyển bằng loại phương tiện tương tự như tàu hỏa. Hầm trên 500m được coi là hầm dài và có cách quản lý riêng. “Các loại phương tiện cấm qua hầm hiện nay chủ yếu liên quan đến xe chở khí đốt như xăng, dầu, gas. Giả sử, khi xe cháy ở giữa hầm Hải Vân, trong bối cảnh đó, xe cộ hỗn loạn, không dễ tiếp cận hiện trường, khi đó hậu quả rất nặng nề”, ông Toàn phân tích.

P.V

Lo ngại TNGT khi loại xe này đi đường đèo, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ quy định cấm các phương tiện chở xăng, chở khí hóa lỏng, chở gia súc… qua hầm. Anh Nguyễn Quang Hùng, tài xế xe tải chở gia súc cho rằng, việc chở trâu, bò qua đèo rất khó khăn, đòi hỏi kinh nghiệm của tài xế bởi khi qua các đoạn cua, đường dốc, gia súc bị xô dồn, dẫn đến trọng lực không đều, gây nghiêng xe và rất dễ bị lật, mất lái, TNGT. Nếu được chạy qua hầm sẽ hạn chế rất nhiều tai nạn và chi phí cho lái xe, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ân, nguyên chuyên gia kĩ thuật Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho rằng, khi hầm đường bộ Hải Vân thông xe, đã quy định cấm mọi phương tiện chở hàng nguy hiểm qua hầm. Từ đó tới nay, Việt Nam có thêm nhiều hầm khác như: Đèo Ngang, Đèo Cả, Phước Tượng - Phú Gia, trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai,... Các hầm trên tuyến cao tốc do VEC quản lý không có đường đèo, ôtô chở hàng nguy hiểm được phép đi qua hầm, những hầm đường bộ còn lại trên tuyến quốc lộ Bắc - Nam, ôtô chở hàng nguy hiểm bị cấm.

“Để hạn chế TNGT và tránh lãng phí, cơ quan chức năng nên nghiên cứu quy định cho ôtô chở hàng nguy hiểm đi qua hầm theo khung giờ nhất định, ứng với mật độ xe qua hầm thấp nhất. Cùng đó, là những biện pháp tổ chức như làm bãi tập kết xe trước 2 cửa hầm, kiểm tra giấy phép vận chuyển và tình trạng xe, tổ chức đội hình xe đi qua hầm với các biện pháp chu đáo về phòng vệ, phòng cháy chữa cháy (PCCC)”, ông Ân đề xuất.

Cũng theo ông Ân, Nghị định 104/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiên cơ giới đường bộ với 1.783 danh mục hàng nguy hiểm với các mức độ nguy hiểm khác nhau. Tuy nhiên, Điều 14 quy định về bảo đảm an toàn khi vận chuyển hàng nguy hiểm nêu rõ: Đơn vị vận tải khi cho ôtô chở hàng nguy hiểm đi qua các công trình giao thông như cầu, hầm đường bộ… phải tuân thủ theo hướng dẫn của các đơn vị quản lý để đảm bảo tuyệt đối an toàn. “Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức đảm bảo an toàn cho các phương tiện này lưu thông, thay vì cấm như hiện nay”, ông Ân nói.

2

Xe bồn chở nhựa đường lao xuống vực khi vượt đèo Hải Vân tháng 11/2016 khiến 2 người thương vong - Ảnh: Văn Tiến

Chỉ nên cho lưu thông ở hầm ngắn?

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch HĐQT Công ty xăng dầu khu vực 5 (Đà Nẵng) cho biết, mỗi ngày đơn vị có hàng chục xe lưu thông qua các đường đèo Hải Vân, Phú Gia - Phước Tượng. Doanh nghiệp rất mong muốn đi qua hầm, bởi công tác đảm bảo ATGT cho phương tiện khi đi đèo rất khó khăn và tốn kém, nhưng phải thừa nhận các xe chở xăng dầu, khí hóa lỏng lưu thông qua hầm là rất khó. “Xăng dầu và khí gas là hàng chuyên dụng, dễ gây hỏa hoạn. Khi xảy ra sự cố, hiểm họa sẽ khôn lường”, ông Mẫn nói.

Ở góc độ những người làm công tác PCCC, ông Lê Ngọc Hai, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cho rằng, vẫn nên cấm các phương tiện chở khí hóa lỏng, gia súc qua hầm, nhất là các hầm dài như: Hải Vân, Đèo Cả… Hơi xăng dầu bốc lên tích tụ trong hầm, nhất là hầm dài trên 1km sẽ rất nguy hiểm và dễ gây cháy nổ. Riêng các hầm có chiều dài dưới 1km (thông gió tự nhiên) có thể nghiên cứu, xem xét cho lưu thông.

Ông Trần Đại Xuân, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) hiện là Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm Đèo Cả (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả) cho biết, từ trước đến nay hầm Hải Vân, Đèo Cả vẫn cấm các phương tiện theo danh mục cấm. Đặc thù các hầm dài, dù được tối ưu hóa, ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác và đáp ứng yêu cầu PCCC, cứu hộ cứu nạn nhưng với các sự cố liên quan đến cháy nổ xăng dầu rất khó xử lý và thường gây hậu quả rất lớn. “Giải pháp bố trí khung thời gian riêng lưu thông trong hầm cho các phương tiện này cũng khó khả thi, bởi hầm Hải Vân hiện nay đang có 2 khung giờ cấm phương tiện lưu thông để vệ sinh (hầm hiện hữu) và nổ mìn (ống hầm mở rộng) gây gián đoạn lưu thông, ùn ứ cục bộ”, ông Xuân nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, hầm đường bộ thường thiếu khí oxi, thừa khí CO2 rất dễ tạo môi trường kích thích các yếu tố cháy nổ nếu có các xe đặc dụng chở xăng dầu, hoặc khí hóa lỏng lưu thông. “Với phương tiện chở gia súc, không được đóng thành thùng sẽ gây ô nhiễm cho công trình, người tham gia giao thông, các phương tiện trong hầm và bản thân gia súc, gia cầm cũng dễ bị thiếu dưỡng khí”, ông Chủng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.