Vận tải

"Nên chạy thử nghiệm trước khi quyết định"

17/09/2014, 17:33

Đây là ý kiến của ông Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy VN về "Đề xuất nắn thẳng luồng tàu trên biển" của các Hội Vận tải biển...

ông Hoàng Hùng
ông Hoàng Hùng

Quan điểm của ông thế nào về đề xuất bỏ quy định tàu biển cấp hạn chế III của các hiệp hội vận tải biển địa phương?


Mỗi con tàu trước khi đóng đều được chia thành các cấp cao, thấp khác nhau, giống như đi may cái áo, nếu là áo để chống nhiệt, chống lửa phải có chất liệu, thiết kế khác áo thi đấu thể thao… Chủ tàu biết điều này, nên khi đóng tàu sẽ đặt hàng nhà thiết kế làm theo đúng yêu cầu của mình và con tàu như thế nào, dùng để chạy tuyến gần, tuyến xa, nội địa hay quốc tế là do chủ tàu và nhà thiết kế thỏa thuận với nhau, còn cơ quan Đăng kiểm giám sát việc đóng tàu và cấp phép thông hành. Trong ngành Đóng tàu lẽ đương nhiên là tàu cấp nào chạy theo cấp đó, mà quy phạm của Việt Nam cũng được tham khảo từ các nước tiên tiến.


Điểm khác biệt là các nhà vận tải đều mong muốn có lợi nhiều nhất nên muốn tàu chạy theo đường thẳng để đỡ tốn nhiên liệu, chi phí, còn bên quản lý đóng tàu lại muốn có phân vùng hoạt động. Nếu theo đường biển thẳng từ Hải Phòng - Đà Nẵng là vùng biển dành cho tàu cấp khác, chứ không phải tàu được phân cấp hoạt động ở vùng biển hạn chế III, vì không đảm bảo về sức bền, kết cấu. Tuy nhiên, chủ tàu vẫn chạy thẳng vì có lợi nhất, nhưng mâu thuẫn nảy sinh là chạy thẳng thì sợ không được bảo hiểm, còn bảo hiểm lại chỉ dựa vào đăng kiểm. Đây chính là vấn đề thực tế nảy sinh, nếu cho chạy sẽ lợi cho vận tải, nhưng nếu xảy ra tai nạn phải có người chịu trách nhiệm.
 

Tàu biển VN được chia thành bốn cấp, cấp thấp nhất chạy cách bờ không quá 20 hải lý
Tàu biển VN được chia thành bốn cấp, cấp thấp nhất chạy cách bờ không quá 20 hải lý


Nói như vậy là ông không tán thành đề xuất của các chủ tàu?


Tôi phải khẳng định rằng đây là mối quan hệ tổng hòa giữa các bên và cần có giải pháp, chứ không thể một bên đòi chạy còn một bên đòi cấm. Theo tôi, chủ tàu, doanh nghiệp vận tải, đơn vị thiết kế tàu, Cục Đăng kiểm VN, Cục Hàng hải VN, Cảnh sát đường thủy… nên ngồi lại với nhau để xem đăng kiểm có châm chước được gì không hay chủ tàu nên chấp nhận gì. Nếu đã đặt vấn đề này theo khoa học, phải có thử nghiệm thực tế, còn phi khoa học thì thôi. 

Nếu thiếu “trọng tài”, thường các bên kiến nghị và bên trực tiếp giải quyết sẽ khó tìm được tiếng nói chung?


Giải pháp đầu tiên là các bên cùng ngồi lại với nhau, cùng đánh giá trên cơ sở các số liệu từ 20 năm qua, như số lượt tàu chạy, hành trình, số vụ tai nạn và tính chất tai nạn, khí hậu biển… Cơ quan chủ trì cũng phải khách quan, mà theo tôi, có thể đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN chủ trì, đánh giá trên cơ sở các tham luận mang tính chất khoa học và cũng nên có thử nghiệm thực tế vài chuyến tàu đi theo luồng thẳng để làm cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định.

Cảm ơn ông!

Huy Lộc (Thực hiện)


Tiến sỹ Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải VN:

 

Về nguyên tắc, đã là quy phạm phải tuân thủ, vì đây là điều kiện để đảm bảo an toàn. Không thể nói lạc hậu hay không được và việc sửa quy phạm hay không là do nó còn đúng và phù hợp hay không chứ không thể vì lý do bảo hiểm mà sửa quy phạm được.

 

Ông Nguyễn Việt Anh, Thuyền trưởng, Tổng Thư ký Hội Người đi biển VN:


Từ yếu tố an toàn mà tàu biển mới được phân thành các cấp tàu khác nhau. Nói thật là nhiều tàu biển VN có chất lượng kém, nhưng nếu được “bật đèn xanh” là phá luật, đi vượt tuyến ngay. Đề xuất về việc thay đổi quy phạm kỹ thuật đối với tàu hoạt động vùng biển hạn chế III dù là bảo vệ doanh nghiệp, nhưng từ góc độ an toàn cũng không nên chủ quan, cần nghiên cứu và đánh giá cụ thể.

 

H.L (Ghi)

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.