Thị trường

Nên hỗ trợ dân nghèo, lái xe tải khi giá xăng dầu phi mã

15/06/2022, 17:42

WB cho rằng, Việt Nam nên có biện pháp hỗ trợ tạm thời, gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu cho dân nghèo và lái xe tải khi giá xăng tăng cao.

Hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu cho dân nghèo, lái xe tải

Tại báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, lạm phát CPI trong tháng 5 nhích tăng từ 2,6% trong tháng 4 lên 2,9%, chủ yếu do giá xăng dầu tăng.

WB lưu ý, các cấp thẩm quyền của Việt Nam nên thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu đi lên. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.

Theo WB, những biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu, nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.

Ngoài ra, tổ chức này đánh giá, cú sốc giá hàng hóa thế giới ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải. Do đó, chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.

img

Xăng dầu trong nước liên tiếp lập đỉnh, mỗi lít xăng RON 95 lên 32.370 đồng

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đồng ý với khuyến nghị trên. Tuy nhiên, để thực hiện được, cần có những thống kê đánh giá cụ thể về mức độ kiểm soát lạm phát.

Bởi, theo ông Long, giá xăng dầu tăng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các đối tượng.

Trực tiếp là, những người tiêu dùng xăng trực tiếp như vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ, những người lao động sử dụng phương tiện đi lại… Còn gián tiếp là người dân phải mua hàng hóa giá cao hơn do tác động của giá xăng, DN phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh do giá đầu vào tăng cao…

“Một số nước cũng có chính sách hỗ trợ như vậy”, ông Long nói và cho rằng, để làm được, chúng ta phải xem nguồn lực có hay không, cách hỗ trợ như thế nào.

Song, vị này lưu ý “giảm cho hộ nghèo bao nhiêu là hợp lý, công bằng, bởi có đối tượng sử dụng nhiều xăng dầu, sẽ tác động nhiều hơn”.

Còn với lái xe tải, cần phải đưa ra mục tiêu là giảm cho lái xe để góp phần giảm cước xe tải, từ đó giảm chi phí đầu vào, còn nếu chỉ hỗ trợ họ, thì vừa lãng phí nguồn lực vừa không có ý nghĩa hỗ trợ…

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, đó cũng là một khía cạnh của gói an sinh.

“Đây cũng là cách làm năm 2008, khi giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ đã quyết định sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân khai thác hải sản trên biển”, ông Thỏa nói và cho biết, khi áp dụng biện pháp trợ cấp trực tiếp, phải đảm bảo tính kịp thời về thời gian. Thủ tục xét duyệt, cấp phát phải đơn giản, cách làm phải công khai, công tác kiểm tra giám sát phải chặt chẽ…

Còn nhiều giải pháp hạ nhiệt xăng dầu, cần làm ngay!

Xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình nên việc giữ giá ổn định trong bối cảnh giá xăng dầu chịu biến động rất lớn trên thế giới là đặc biệt quan trọng.

Với mức tăng hiện tại, các chuyên gia cho rằng, đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân và doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi sau dịch bệnh Covid-19. Do đó, cần thực hiện ngay khi chúng ta vẫn còn nhiều giải pháp kìm đà tăng giá xăng dầu.

img

Giá xăng, dầu tăng cao, khiến nhiều ngư dân ở cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) "bấm bụng" vươn khơi bám biển

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, bên cạnh việc giảm nốt các loại thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan quản lý cần rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu, thậm chí xuống còn 2 ngày điều chỉnh một lần thay vì 10 ngày mới điều chỉnh một lần như hiện nay.

Ngoài ra, Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia để bảo đảm sự an toàn về năng lượng và cho hoạt động của kinh tế. Đó cũng là đề xuất của chuyên gia Ngô Trí Long.

Theo PGS TS Ngô Trí Long, xăng dầu của Việt Nam chỉ dự trữ từ 5-7 ngày với lượng tiêu thụ mỗi tháng từ 1,8-1,9 triệu m3 như hiện nay là đáng lo ngại. Việc quốc gia chưa có hệ thống kho dự trữ riêng mà giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối là bất hợp lý.

Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, để giảm thiểu những tác động bất lợi do giá xăng dầu tăng cao, nhiều nước lựa chọn cách kiềm chế thông qua nhiều biện pháp như: Giảm thuế, sử dụng kho xăng dầu dự trữ…

Nhiều nước cũng đã áp dụng các gói an sinh như: Chính sách trợ giá, trợ cấp cho người tiêu dùng xăng dầu với các cách làm và phạm vi, mức độ khác nhau. Cụ thể, như Pháp trợ giá 0,16 USD cho mỗi lít nhiên liệu vận tải; Malaysia trợ giá để giữ giá bán lẻ ngưỡng 0,47 USD/lít cho người dân bản địa; New Zealand giảm một nửa giá vé hành khách của phương tiện giao thông công cộng; Hà Lan trợ cấp một lần khoảng 800 USD/hộ gia đình có thu nhập thấp; Philippines chi 60 triệu USD trợ cấp cho giao thông công cộng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.