Quản lý

Nên quản xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải thế nào?

28/02/2019, 06:12

Bộ GTVT đề xuất chọn phương án quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử là xe taxi.

img
Nếu đề xuất của Bộ GTVT được chấp thuận, loại hình ứng dụng kết nối điện tử như Grab sẽ phải gắn mào và quản lý như taxi (Trong ảnh Grab trả khách trên đường Nguyễn Xiển - Hà Nội) - Ảnh Tạ Tôn

Bộ GTVT vừa đề xuất Chính phủ phương án quản loại phương tiện dưới 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải là xe taxi trong dự thảo Nghị định mới về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cân nhắc kỹ 2 phương án

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bộ GTVT cho biết, Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với nội dung quản lý xe dưới 9 chỗ ngồi theo 2 phương án: Phương án 1 là xe hợp đồng, phương án 2 là xe taxi.

Tổng số phiếu gửi xin ý kiến là 27, trong đó có tới 26 thành viên Chính phủ có ý kiến. Kết quả theo tổng hợp của Bộ GTVT, có 26/26 thành viên Chính phủ thống nhất biểu quyết thông qua dự thảo Nghị định để ban hành. Trong đó, 15/26 thành viên Chính phủ chọn phương án 1 là xe hợp đồng; 8/26 thành viên Chính phủ chọn phương án 2 là xe taxi; 3 thành viên còn lại không chọn phương án nào mà đề nghị đưa ra quy định riêng cho loại hình mới (không phải là taxi, cũng không phải là xe hợp đồng).

Văn bản gửi Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký cũng nêu rõ: “Quá trình tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ trì mời Ủy ban ATGT Quốc gia, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội vận tải và các cơ quan, đơn vị tham mưu trực thuộc Bộ để tiếp thu vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động xe taxi và xe hợp đồng điện tử. Hiện tại, hai quan điểm khác nhau về việc quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử (như mô hình Grab) vẫn đang là vấn đề còn nhiều vướng mắc do mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế khi đưa ra để quản lý, tác động rất lớn đến xã hội và hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Bộ GTVT cũng cho biết, nếu theo nguyên tắc làm việc của Chính phủ, dự thảo Nghị định 86 sẽ chọn phương án 1 theo số đông ý kiến của thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn nhận định quá trình thí điểm cho thấy phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử là tương đối giống với xe taxi, có nhiều nét tương đồng về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe.

“Do đó, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử là xe taxi”, văn bản nêu rõ.

Giải thích cho đề xuất này, Bộ GTVT cho biết, phương án quản lý xe kinh doanh chở khách dưới 9 chỗ là xe taxi sẽ thuận lợi trong việc quy định để quản lý vì ghép chung vào cùng một loại hình. Đồng thời, phù hợp khi quy định chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải bằng taxi. Hiện nay, việc thí điểm xe hợp đồng điện tử đang quy định điều kiện này như taxi, trong khi Luật GTĐB năm 2008 cho phép cả hộ kinh doanh vận tải được kinh doanh theo hình thức hợp đồng và công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải; đồng thời giải quyết được kiến nghị lâu nay của các hiệp hội.

Tại buổi họp lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, bản chất hoạt động của loại hình hợp đồng điện tử giống taxi truyền thống nên cần có những quy định tương đồng nhằm tạo sân chơi bình đẳng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, rất khuyến khích phát triển phần mềm công nghệ, ứng dụng công nghệ trong quản lý. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện một số công ty công nghệ sản xuất phần mềm để bán lại cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu đơn vị tham gia vào các hoạt động vận tải cần được hiểu là đơn vị kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng cho biết, hạn chế của phương án này (quy định tất cả xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ là taxi) chưa phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Theo quy định của luật này, trong hoạt động kinh doanh, các chủ thể được quyền tự lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, theo Luật GTĐB 2008 có quy định hình thức kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (kể cả xe dưới 9 chỗ) nên việc quy định là xe taxi chưa phù hợp.

Đối với phương án quản lý xe chở khách dưới 9 chỗ được sử dụng hợp đồng điện tử, đồng thời xe taxi được sử dụng phần mềm tính tiền kết nối với hành khách, Bộ GTVT cho biết, một số nội dung tại dự thảo đang được quy định chặt chẽ hơn nhằm tạo thuận lợi trong quá trình kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý cũng như thuận lợi cho khách hàng lựa chọn, sử dụng.

Theo Bộ GTVT, phương án này phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Luật GTĐB năm 2008. Tuy nhiên, phương án này phát sinh một số quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh như: Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ. Như vậy, chưa phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Luật GTĐB, vì loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng cho phép cả hộ kinh doanh vận tải và hạn chế quyền được ứng dụng khoa học công nghệ của hộ kinh doanh và phát sinh chi phí để lắp đặt bảng điện tử trong xe đối với khoảng 50 nghìn xe.

Bản chất xe hợp đồng điện tử cũng là kinh doanh vận tải

Liên quan đến đề xuất nói trên, luật sư Nguyễn Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng phương án này để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong nước, cũng như quy hoạch giao thông ổn định. Singapore là quốc gia sớm gặp các vấn đề với Uber, Grab cũng như giới taxi, nên họ đã bước vào quá trình xây dựng chính sách quản lý những ứng dụng gọi xe, bắt đầu bằng việc quản lý các tài xế đối tác. Tại châu Âu, ứng dụng gọi xe phổ biến nhất thế giới Uber phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của luật pháp và phải đăng ký như một dịch vụ taxi thì mới được phép hoạt động.

“Mô hình kinh doanh mới như Grab hay Uber đều thách thức các nhà làm luật tại mọi quốc gia. Là một nước đi sau, Việt Nam sẽ có những tham khảo hữu ích của các nước để xây dựng khung pháp lý phù hợp. Đề xuất của Bộ GTVT là cần thiết để quản lý các xe hợp đồng điện tử như taxi truyền thống bởi bản chất của nó cũng là hoạt động kinh doanh vận tải”, luật sư Hướng nói.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, việc này nên thực hiện từ lâu để đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh. Các xe hợp đồng dưới 9 chỗ bản chất là hoạt động kinh doanh vận tải nên phải được coi là taxi. Các xe này phải có bộ nhận diện riêng để phân biệt với xe gia đình.

“Bản chất cùng là hoạt động taxi nhưng Grab lại là xe hợp đồng điện tử với quy định quản lý lỏng lẻo hơn và rất ít nghĩa vụ với Nhà nước, người lao động, khách hàng. Do đó, theo phương án đề xuất của Bộ GTVT sẽ giúp khách hàng, cơ quan quản lý dễ nhận diện đối tượng và dễ quản lý hơn, tạo bình đẳng các nghĩa vụ và trách nhiệm giữa các loại hình”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, những ý kiến cho rằng, xe hợp đồng điện tử là taxi sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ là rất vô lý. Việc quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi là đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp đó sẽ có lợi nhuận cao hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.