Chính trị

Nên sớm chọn một vấn đề trưng cầu ý dân để “tập dượt”

12/07/2016, 10:59

Luật Trưng cầu ý dân vừa có hiệu lực từ 1/7 nên cần trưng cầu một vấn để đơn giản để "tập dượt".

Đinh Xuân Thảo

Bài viết của TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội

Luật Trưng cầu ý dân vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII và có hiệu lực từ 1/7. Đây là một dự Luật hoàn toàn mới và có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 2013.

Thẩm quyền quyết định trưng cầu do Quốc hội

Điểm đáng lưu ý đầu tiên trong luật là đã xác định được thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là do Quốc hội, còn việc tổ chức trưng cầu ý dân là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là 1/3 tổng số ĐBQH có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

Trường hợp có từ 1/3 tổng số ĐBQH trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của ĐBQH, chuẩn bị hồ sơ theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

Vấn đề thứ hai là Luật đã quy định rõ những nội dung nào được đưa ra trưng cầu ý dân, đó là những vấn đề lớn như: Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, những vấn đề trọng đại của quốc gia... Cùng với đó, Luật cũng quy định những vấn đề không trưng cầu ý dân là những vấn đề ở tầm địa phương, không mang tầm quốc gia, hoặc những việc trưng cầu ý dân rồi mà chưa đem lại kết quả thì không trưng cầu lại nếu thời gian chưa đủ 2 năm.

Một điểm quan trọng nữa là Luật quy định rõ về trình tự, thủ tục quy định trưng cầu ý dân, từ việc đi bỏ phiếu thì số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu trưng cầu ý dân là bao nhiêu, số người đồng thuận hay không, bao nhiêu thì hợp lệ. Sau khi trưng cầu có kết quả, việc công bố kết quả đó là việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phải báo cáo trước Quốc hội để thành văn bản chính thức.

Cụ thể, Luật quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp quy định tại Khoản 1, Điều 6 của Luật này phải được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành. Sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của UBND cấp tỉnh và giải quyết những khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước và phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Quyết định cuối cùng thuộc về dân

Rõ ràng Việt Nam chưa từng có tiền lệ trưng cầu ý dân vì chưa có luật. Giờ Luật có hiệu lực, việc quyết định trưng cầu vào thời điểm nào, chọn vấn đề gì để trưng cầu ý dân là quan trọng nhất.

Chúng ta nên sớm làm thử việc trưng cầu ý dân. Trước đây, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 chúng ta có nhiều ngỡ ngàng, nhưng trải qua nhiều năm, đến nay, đã qua 13 khoá Quốc hội, chúng ta đã quen thuộc với việc bầu cử. Và trưng cầu ý dân, cũng tương tự như bầu cử vậy.

Vì thế tới đây, chúng ta nên làm quen bằng việc lựa chọn một vấn đề gì không phức tạp lắm để trưng cầu, lấy ý kiến nhân dân. Đó cũng là cách tập dượt để cơ quan liên quan có thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân làm quen dần với việc chọn vấn đề, tổ chức, bỏ phiếu, kiểm phiếu… Có thể giữa nhiệm kỳ 2016-2021 chọn một vấn đề gì đó để trưng cầu.

Luật này có hiệu lực mang một ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra một công cụ quan trọng để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. Nếu như bầu cử là để cử người đại diện cho mình tham gia vào đội ngũ quản lý Nhà nước được coi là thực hiện dân chủ gián tiếp, thì trưng cầu ý dân là dân được thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. Trong việc lấy ý kiến nhân dân, ý kiến đó chỉ mang ý nghĩa để tham khảo, nghe hay không nghe là quyền của các cơ quan có thẩm quyền, còn khi đã trưng cầu ý dân, quyết định của dân là cuối cùng, là trên hết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.