Điện ảnh

Netflix gây phẫn nộ khi “hô biến” Hội An thành một quận của Trung Quốc?

26/05/2020, 17:54

Bộ phim truyền hình Madam Secretary được chiếu trên nền tảng Netflix gây tranh cãi khi “hô biến” Hội An thành một quận của Trung Quốc.

img
Hình ảnh về phim Madam Secretary

Mới đây, bộ phim truyền hình Madam Secretary được chiếu trên nền tảng Netflix trở thành đề tài bàn tán của dư luận khi “hô biến” thước phim quay tại Hội An thành một quận của Trung Quốc.

Cụ thể, ở phút 17:04, tập 4, mùa 1 của Madam Secretary, các nhà làm phim đã sử dụng thước phim quay tại Hội An nhưng lại chú thích là Phù Lăng, Trung Quốc.

Madam Secretary là một bộ phim truyền hình chính trị của Mỹ được đạo diễn bởi Barbara Hall. Phim có sự tham gia của Téa Leoni trong vai Elizabeth McCord, cựu nhà phân tích và giáo sư khoa học chính trị của CIA đã trở thành Ngoại trưởng. Madam Secretary được công chiếu vào ngày 21/9/2014, trên CBS. Đến nay, bộ phim đã hoàn thành 6 mùa và là một trong những series phim chính trị được yêu thích nhất tại Mỹ những năm gần đây.

img
Hình ảnh ở phố cổ Hội An được mô tả là Phù Lăng (Trung Quốc) trong phim Mỹ
img
Hình ảnh phố cổ Hội An

Hiện, vẫn chưa rõ đoạn chú thích thước phim quay tại Hội An bị mô tả là ở Phù Lăng, Trung Quốc là do Netflix chú thích "nhầm" hay đã có sẵn từ trong phim gốc của CBS trước khi phát sóng trên Netlix.

Tuy nhiên, sau khi tập phim gây tranh cãi được lên sóng, khán giả Việt và nhiều khán giả trên thế giới bày tỏ sự phẫn nộ với sai sót nghiêm trọng này.

"Netflix is disrecspecful to Vietnamese culture.... The ancient town of Hoi An is recognized by UNESCO as the world culture heritage , a pride of Vietnamese people". (Netlix không tôn trọng văn hoá Việt Nam ... Phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, là niềm tự hào của Việt Nam) - một khán giả bình luận trên Twitter.

Bên dưới bộ phim, nhiều khán giả Việt bức xúc bình luận: "Trung Quốc vừa sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế không xin phép, giờ đến cái này nữa hả?"...

img
img
Khán giả Việt bức xúc khi hình ảnh phố cổ Hội An được "hô biến" thành một quận của Trung Quốc

Nằm trong thị xã Hội An, Phố cổ Hội An là điển hình đặc biệt về một cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn. Hội An cũng là phố cổ duy nhất ở Việt Nam được giữ gìn nguyên trạng, là một tài sản quý của nhân loại. Phố Cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1999.

Phần lớn nhà cửa ở Hội An là những kiến trúc có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Nhà cửa được phân bố theo cách kết hợp cửa hiệu buôn bán, các công trình kiến trúc, tín ngưỡng: đình, chùa, hội quán, miếu, nhà thờ tộc, cầu và bến, sông, chợ... tạo thành các Phố theo chiều dọc (Đông- Tây) ở các phố: Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đường cắt ngang: Trần Quý Cáp, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Huệ. Mặt khác, hạt nhân khu phố cổ được bao bọc xung quanh (trong bán kính 3-5 km) bởi môi trường sinh thái nhân văn độc đáo và phong phú bao gồm: các làng nghề truyền thống, môi trường sông - nước - biển - bờ biển - đảo - cồn bãi.

Trước đó, trong tập 7 của show truyền hình Sáng tạo doanh 2020, nhà sản xuất đã sử dụng trái phép đoạn Nhã nhạc cung đình Huế dài gần 30s trong tiết mục "Tiểu thư và bốn chàng soái ca". Điều đáng nói, Nhã nhạc cung đình Huế được dùng làm nền minh họa cho các thí sinh mặc đồ cổ trang Trung Quốc, chương trình lại không hề chú thích về xuất xứ bản nhạc.

Cách đó không lâu, phim cổ trang Thịnh Đường huyễn dạ của Trung Quốc cũng bị phát hiện có sử dụng Nhã nhạc cung đình Huế mà chưa xin phép. Giới chuyên môn và khán giả Việt đã lên tiếng mạnh mẽ về sai sót trên.

Tuy nhiên, phía Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế thận trọng cho biết, để biết đoàn làm phim có xâm phạm bản quyền của Việt Nam hay không, cần thận trọng xem xét vấn đề một cách toàn diện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.