Mặc dù cha mẹ nào cũng mong con mình học giỏi, nhưng điểm số không phải là thước đo chuẩn xác nhất khi đánh giá về một đứa trẻ. Chúng ta không thể nào đánh giá “một con cá biết leo cây” được, quan trọng là cha mẹ phải nhận ra con mình có ưu và nhược điểm gì. Một đứa trẻ có thể điểm số kém về toán học nhưng lại rất giỏi về những thứ khác như vẽ hay âm nhạc.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần nhận ra con mình có điểm nào nổi trội. Một đứa trẻ nếu có 4 đặc điểm sau, dù là nghịch ngợm hay điểm số thấp thì chúng vẫn là người có tiềm năng rất lớn trong tương lai.
1. Trí nhớ tốt
Trẻ em phần lớn đều rất nghịch ngợm, đặc biệt là trong giai đoạn học mẫu giáo. Vào lúc này, cha mẹ lo lắng khi thấy con mình chỉ thích chơi mà không thích học, liệu rằng khi vào tiểu học chúng có theo kịp bạn bè hay không.
Thế nhưng, những đứa trẻ này tuy nghịch ngợm nhưng lại có trí nhớ rất tốt. Chỉ cần học hoặc nghe một lần đã có thể nhớ được những gì giáo viên nói. Điều này chứng tỏ đó là một đứa trẻ rất thông minh.
Trí nhớ là nền tảng để trẻ học mọi thứ, cho dù là nghệ thuật hay khoa học. Xung quanh chúng ta có rất nhiều người hiểu biết rất rộng, thực tế là họ có trí nhớ tốt, não bộ lưu trữ thông tin tốt. Chất lượng trí nhớ cũng là một chỉ số quan trọng để đánh giá IQ của một người. Nếu đó là một đứa trẻ có trí nhớ tốt, kết quả học tập sau này không thể kém được.
2. Siêu tập trung
Trẻ em thỉnh thoảng có thể ham chơi mà quên cả ăn uống và học hành. Thực ra, nó chứng tỏ đứa trẻ đó có khả năng tập trung cao độ khi làm một việc. Sự tập trung là một dấu hiệu của thiên tài, bởi có rất nhiều nhà khoa học khi nghiên cứu đều tập trung đến mức không để ý gì tới xung quanh.
Khi tập trung vào một việc nào đó, trẻ sẽ khám phá những điều mình chưa biết, tìm cách giải quyết vấn đề. Đây chính là quá trình rèn luyện khả năng tư duy của một người.
Vì vậy, một đứa trẻ có khả năng tập trung cao giống như “mở cửa” cho não bộ tiếp nhận thông tin. Lúc này, trẻ sẽ tiếp thu nhiều kiến thức hơn, khả năng tư duy và học hỏi không ngừng được nâng cao, theo thời gian IQ sẽ được cải thiện rất nhiều.
3. Có ý kiến riêng, thích bắt bẻ lại cha mẹ
Nhiều cha mẹ thích con cái ngoan ngoãn, biết vâng lời. Khi trẻ không nghe theo lời cha mẹ, họ cảm thấy bất lực trong việc giáo dục con cái.
Trên thực tế, đôi khi việc nghe lời răm rắp theo ý người lớn lại hoàn toàn không tốt như mọi người nghĩ. Có một số đứa trẻ sẽ phản bác lại điều mà người lớn nói không đúng, chúng sẽ tìm ra kẽ hở trong lời nói và đưa ra ý kiến của mình.
Những đứa trẻ như thế này thoạt trông có vẻ như nổi loạn, nhưng điều đó lại chứng tỏ chúng là người hiểu biết, có cách suy nghĩ độc đáo của riêng mình và không đi theo đám đông. Hơn nữa, điều này còn chứng tỏ đó là đứa trẻ có tư duy mạnh mẽ, thích suy nghĩ độc lập, một phẩm chất tuyệt vời của những người có tố chất lãnh đạo.
4. Khả năng chịu đựng khó khăn tốt
Phần lớn mọi người đều có chỉ số IQ ngang ngửa nhau, nhưng thông qua quá trình học tập vất vả và nhàm chán, một số đứa trẻ nếu kiên trì sẽ đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ. Cũng có một số đứa trẻ mặc dù rất thông minh, sáng dạ nhưng khi học lại ngại vất vả, không kiên trì được lâu nên bỏ dở nửa chừng.
Những đứa trẻ lấy “cần cù bù thông minh” luôn là người thức dậy sớm và đi ngủ trễ, không bao giờ than thở về những khó khăn và vất vả mà mình đang trải qua. Một đứa trẻ không ngại gian khổ mới có thể thành công được.
Cha mẹ nên làm gì để trau dồi thói quen học tập tốt cho trẻ
- Tạo điều kiện cho trẻ suy nghĩ độc lập
Khi gặp khó khăn, cha mẹ không nên giúp đỡ trẻ ngay lập tức mà để chúng tự tìm cách giải quyết trước tiên. Ví dụ, khi trẻ gặp một bài toán khó, cha mẹ hãy để trẻ tự suy nghĩ tìm ra đáp án, trong trường hợp cần thiết thì gợi ý một chút. Bằng cách này, cha mẹ sẽ rèn luyện được cho trẻ khả năng tuy duy độc lập và không dựa dẫm vào người khác.
- Khuyến khích trẻ tìm hiểu nhiều kiến thức khác nhau
Trẻ càng biết nhiều thì càng có lợi sau này. Ngoài việc học chính ở trường, cha mẹ có thể gợi ý trẻ đọc thêm sách hoặc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa khác nhau.
- Trau dồi và bảo vệ sự tập trung của trẻ
Cha mẹ nên bảo vệ sự tập trung của trẻ, khi thấy con mình tự ngồi chơi được thì không nên quấy rầy. Cha mẹ có thể tạo điều kiện để trau dồi khả năng tập trung của con cái thông qua các trò chơi như cờ vua, vẽ tranh…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận