Hạ tầng

Nếu đường sắt Bắc-Nam chỉ 10-12 tiếng, sẽ rất ít người đi đường bộ

31/05/2017, 11:35

Các ĐBQH cho ý kiến về dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi và các quyết sách để đường sắt tạo đột phá...

1

ĐBQH đề nghị nâng mức đầu tư cho đường sắt lên 35% so với chỉ hơn 3% như hiện nay trong tổng mức đầu tư cho giao thông. Ảnh tàu Yên Viên - Hạ Long:Thanh Thúy

Thiếu đầu tư không thể tạo đột phá

Theo ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Luật Đường sắt (sửa đổi) lần này khi ban hành cần phải tạo ra bước đột phá để ngành Đường sắt phát triển. “Nếu đi bằng đường sắt Bắc - Nam chỉ mất từ 10 - 12 giờ, tôi tin rằng sẽ còn rất ít hành khách đi đường bộ từ miền Nam ra miền Bắc”, ông Thể đưa ra nhận định và cho rằng, tỷ lệ đầu tư cho đường sắt hiện nay là quá thấp, theo thống kê chỉ hơn 3% số vốn, trong khi con số này ít nhất phải là 35% tổng số vốn đầu tư cho ngành Giao thông. Cho rằng ngân sách hạn chế, nếu trông chờ vào Nhà nước thì rất khó, ông Thể đề nghị cần huy động nguồn vốn xã hội. Để làm được điều này, ông kiến nghị trong Điều 5 cần bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư.

“Bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn nói ưu tiên cho đường sắt nhưng rồi đâu có ưu tiên. Như thế nên đường sắt của chúng ta mãi không có đủ vốn, không tạo được đột phá nên mãi lạc hậu”, ông Thể nêu quan điểm.

Đồng tình, ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An) đề nghị phải mạnh dạn cụ thể hóa hơn nữa chủ trương phát triển ngành Đường sắt trong luật, cần thiết phải quy định mức tối thiểu đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt và giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế quyết định tỷ trọng đầu tư xây dựng đường sắt trong tổng mức đầu tư công cho ngành GTVT. ĐB Tuấn cũng cho rằng, đến nay kết quả huy động xã hội hóa là không đáng kể trừ một số kho xe và bãi hàng với quy mô nhỏ. Rõ ràng chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư và chưa khả thi.

ĐB Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) đề nghị Chính phủ cần tìm nguồn vốn tăng đầu tư cho ngành Đường sắt. Bởi theo ĐB này, nếu vốn đầu tư cho ngành trong những năm sắp tới mà giống như giai đoạn 2011-2015 vừa qua, thì tương lai ngành Đường sắt chưa có gì sáng sủa, vẫn sẽ là lạc hậu, vẫn xuống cấp và mất năng lực cạnh tranh.

Tạo cạnh tranh bình đẳng

Đề cập đến vấn đề giá, phí trong kinh doanh đường sắt, ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho biết, dự thảo chỉ quy định hình thức giá, phí do Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, nếu không quy định giá, phí để thị trường tự điều chỉnh sẽ không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt. Theo đó, Nhà nước chỉ quản lý, không trực tiếp quy định mức giá cụ thể thay cho doanh nghiệp.

Cho rằng người dân luôn mong mỏi dịch vụ tốt nhất mà đường sắt mang lại, theo ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam), muốn tạo đột phá, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) cần phải có những đột phá về cơ chế pháp lý để tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt, huy động được mọi thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt kinh tế tư nhân.

Đến nay, vẫn chỉ có một doanh nghiệp Nhà nước duy nhất vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, vừa kinh doanh vận tải đường sắt do Nhà nước đầu tư. Các doanh nghiệp khác muốn kinh doanh vận tải đường sắt phải ký hợp đồng với chủ thể này, để được sử dụng sức kéo cho kinh doanh vận tải đường sắt và sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. “Chính điều này dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng cần sửa đổi trong luật lần này”, ông Thế góp ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.