Bình luận

Nếu V-League có luật công bằng tài chính

19/11/2021, 06:30

Với nền tảng tài chính yếu kém và khả năng kinh doanh hạn chế, các đội bóng V-League luôn rơi vào cảnh thấu chi.

Mới đây, chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire đã nghiên cứu về khoản chi các đội Ngoại hạng Anh có thể sử dụng trong hai kỳ chuyển nhượng sắp tới mà không vi phạm Luật công bằng tài chính.

img

Các đội bóng V-League hầu hết đều có nền tảng tài chính yếu kém

Theo đó, Tottenham là đội được phép chi nhiều nhất với 400 triệu bảng. Xếp tiếp theo là Liverpool với 273 triệu bảng, MU 243 triệu bảng, Chelsea 241 triệu bảng và Arsenal 201 triệu bảng. Khá bất ngờ khi Man City chỉ được phép chi 84 triệu bảng.

Luật công bằng tài chính do Liên đoàn bóng đá châu Âu đưa ra nhằm hạn chế những đội bóng giàu có vung quá nhiều tiền trong chi tiêu, bao gồm cả chuyển nhượng.

Hiểu nôm na, tổng số tiền chi ra của mỗi đội bóng tại châu Âu không thể vượt quá lợi nhuận sau thuế.

Theo quy định sửa đổi mới, các CLB được phép lỗ 35 triệu bảng/mùa nhưng không quá ba mùa và phải chứng minh được đủ khả năng bù đắp trong giai đoạn kế tiếp.

Trở lại với nhóm ông lớn Ngoại hạng Anh, Man City là đội chi nhiều nhất cho chuyển nhượng trong vòng 10 năm qua với hàng trăm triệu bảng mỗi mùa.

Chính bởi vậy, trong hai kỳ chuyển nhượng tới đây, họ buộc phải thắt chặt chi tiêu. Trường hợp vi phạm Luật công bằng tài chính, các đội bóng có thể đối mặt với những lệnh trừng phạt nghiêm khắc.

Báo giới Anh cho rằng, với khả năng tài chính hùng mạnh, ông chủ Man City thừa khả năng phù phép ra những bản hợp đồng thương mại lớn để hợp thức hóa việc chi tiêu cho Man City.

Nhưng suy cho cùng, nếu không đủ thực lực, họ không thể làm như vậy.

Câu chuyện này khiến người viết liên tưởng tới bóng đá Việt Nam, nơi các CLB luôn rơi vào tình trạng thấu chi. Nguồn thu hạn chế nhưng mỗi đội đều vung tiền tấn để tuyển quân, trả lương.

Nếu Luật công bằng tài chính tồn tại ở V-League, tin rằng có rất ít đội bóng “vung tay quá trán”.

Cũng bởi thu 1 chi 10 thậm chí hơn mà các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam luôn không có sức khỏe tài chính ổn định, không thể ứng phó với các biến động.

Cũng vì thế mới có chuyện đội này đội kia xin giải thể, xin không lên hạng vì thiếu kinh phí.

So sánh giữa bóng đá Anh và bóng đá Việt Nam là sự khập khiễng lớn nhưng về cơ bản mẫu số của bóng đá chuyên nghiệp rất tương đồng, chỉ khác nhau ở quy mô.

Từ đây cũng chỉ ra rằng, bóng đá nếu không nuôi được bóng đá thì chưa thể coi là chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp nửa vời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.