Hồ sơ tài liệu

Nga bỏ Hội nghị an ninh hạt nhân, Mỹ lo sốt vó

01/04/2016, 05:34

Siêu tàu ngầm này sẽ là đối trọng với các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia và Seawolf của Mỹ.

1 Siêu tàu ngầm hạt nhân K-329 Severodvinsk

Siêu tàu ngầm hạt nhân K-329 Severodvinsk của Nga

Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm nay được tổ chức mà không có sự tham dự của Nga trong bối cảnh trước đó vài ngày nước này giới thiệu siêu tàu ngầm hạt nhân mới nhất; điều này khiến Mỹ lo lắng...

Đối thủ cực mạnh

Siêu tàu ngầm Nga sẵn sàng xung trận, đó là bài viết mới vừa đăng trên tờ The National Interest (TNI) của Mỹ, về sự xuất hiện của siêu tàu ngầm hạt nhân K-329 Severodvinsk của Nga, trước khi Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm nay khai mạc vài ngày.

Theo Vadim Serga, phát ngôn viên Hạm đội phương Bắc Nga, các thử nghiệm vận hành của K-329 Severodvinsk đã được hoàn tất, thỏa mãn mọi tiêu chí kỹ thuật cần thiết và sẵn sàng nhập cuộc tham chiến.

Thủy thủ đoàn của K-329 Severodvinsk hiện đang hoàn thành những phần việc cuối cùng để đưa K-329 Severodvinsk vào phục vụ các buổi huấn luyện tác chiến theo kế hoạch đã định.K-329 Severodvinsk và các thế hệ tàu thuộc Dự án Project-885 đều thuộc nhóm tàu tấn công hiện đại có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ. Riêng K-329 Severodvinsk tiên tiến hơn, mang tính đa nhiệm, phiên bản của tàu ngầm tên lửa dẫn hướng hạt nhân (SSGN).

K-329 đã được Chuẩn Đô đốc Mỹ David Johnson, giám đốc điều hành Hệ thống tác chiến Hải quân Mỹ (NAVSEA) ngưỡng mộ, ra lệnh dựng hẳn một mô hình K-329 Severodvinsk trong phòng làm việc để ngắm mỗi ngày. “Đây đích thực là sát thủ dưới đáy đại dương hiện đại nhất, Mỹ sắp phải đối mặt với đối thủ cực mạnh”, Johnson thú nhận.

Siêu tàu ngầm này sẽ là đối trọng với các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia và Seawolf của Mỹ. Tạp chí Chiến hạm thế giới của Viện Hải quân Mỹ (UNI) cho biết, K-329 Severodvinsk nặng 13.800 tấn, dài 119 m, có khả năng lặn sâu tới 600 m, thủy thủ đoàn 90 người, có thể đạt vận tốc tối đa 35 - 40 hải lý/giờ (56-64km/h). Tàu có độ ồn thấp; Thậm chí khi chạy ở tốc độ 20 hải lý/giờ (32km) hầu như không nghe thấy tiếng động. Đặc biệt, lò phản ứng hạt nhân của tàu có tuổi thọ dài, khoảng  25 - 30 năm mà không phải nạp nhiên liệu.

K-329 Severodvinsk được trang bị hệ thống thủy âm hình cung có tên Irtysh-Amfora, nên có khả năng phát hiện tàu đối phương từ xa. Các ống phóng ngư lôi của Severodvinsk được đặt giữa, tương tự các tàu ngầm của Mỹ, với 8 ống phóng và 30 ngư lôi.

Những thông tin về chiếc siêu tàu ngầm nói trên được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ tư được tổ chức tại Washington (Mỹ) từ 31/3-1/4, với sự tham dự của lãnh đạo hơn 50 nước và 5 tổ chức quốc tế. Là một trong những quốc gia cường quốc hạt nhân, nhưng Nga không tham dự hội nghị lần này.

Nên ngồi lại với nhau

Dẫu biết lâu nay, quan hệ Nga - Mỹ lạnh nhạt, bế tắc nhưng hai cường quốc khẳng định họ luôn hợp tác với nhau trong hai vấn đề: Chống khủng bố và giải trừ vũ khí hạt nhân (dù vẫn bất đồng quan điểm liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, Ấn Độ, Triều Tiên). Do đó, việc Nga không tham dự Hội nghị hạt nhân khiến người ta phải đặt dấu hỏi.

Nga đang gửi đi rất nhiều tín hiệu đến Mỹ và thế giới rằng họ cũng quan trọng, là một cường quốc và họ tự vạch ra con đường của riêng mình. Nga chưa bao giờ ủng hộ đối với Hội nghị này. Họ thích những cơ chế quốc tế rộng lớn hơn”.

Bà Olga Oliker, Giám đốc Chương trình Ngavà Vùng Á - Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, là một trong 5 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, Nga vắng mặt, đồng nghĩa Hội nghị khó đạt được những kết quả như kỳ vọng. Đồng thời, những quyết định được đưa ra tại Hội nghị ở Washington lần này cũng bị giảm giá trị.

Giải thích về quyết định không tham gia, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết lý do là “thiếu hợp tác chung” trong quá trình phác thảo chương trình nghị sự và các cuộc họp đã hết vai trò. Về phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng, không tham dự Hội nghị thượng đỉnh là Nga đã “bỏ lỡ một cơ hội” và đây là bằng chứng cho thấy Nga đang tự cô lập mình.

“Kho vũ khí hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh của chúng ta không còn chống đỡ được những mối đe dọa đặt ra ngày hôm nay. Là hai nước đang sở hữu hơn 90% tổng vũ khí hạt nhân toàn thế giới, Mỹ và Nga nên ngồi lại với nhau để giảm dự trữ vũ khí hạt nhân thêm nữa” - ông Barack Obama bày tỏ quan điểm trên Washington Post.

Nhiều chuyên gia nhận định: Đến cuối năm nay, ông Obama hết nhiệm kỳ, không ai có thể đảm bảo Tổng thống kế nhiệm sẽ vẫn coi an ninh hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự; nên có thể, Hội nghị này chỉ đến đây là kết thúc và không mang lại kết quả đột phá.

Việt Nam là điển hình tốt về không phổ biến vũ khí hạt nhân

Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân khai mạc hôm qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự hội nghị. Đây dịp Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về không phổ biến, giải trừ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.

Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị, trong đó có việc gia nhập Công ước về Bảo vệ thực thể Vật liệu hạt nhân và Phần sửa đổi (2012), phê chuẩn Nghị định thư bổ sung Hiệp định về việc áp dụng thanh sát hạt nhân của IAEA (2012), gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý chất thải phóng xạ (2013), ký với Mỹ Hiệp định về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (2014), tham gia Sáng kiến An ninh Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (2014) và tích cực hợp tác với IAEA và các nước trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Những nỗ lực này được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và coi Việt Nam là một điển hình tốt.

B.T

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.