Thế giới

Nga cấm vận nông sản EU, ai hưởng lợi?

15/08/2014, 09:11

Tuần tới, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước EU sẽ có cuộc họp khẩn cấp bàn về những hậu quả khi Nga bắt đầu có những động thái trả đũa trước lệnh cấm vận mà phương Tây nhằm vào Nga.

TIN LIÊN QUAN

Ngành nông nghiệp EU đang phải chịu những thiệt hại do lệnh cấm vận từ Nga
Ngành nông nghiệp EU đang phải chịu những thiệt hại do lệnh cấm vận từ Nga


Nguy cơ bán tháo


Cuộc họp nói trên được tổ chức theo đề nghị của Cộng hòa Czech nhằm giảm thiểu hậu quả và tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ khi Nga cấm nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa từ EU. Một số nước khác như: Litva, Estonia, Ba Lan, Latvia cũng đã lên tiếng yêu cầu EU có trách nhiệm về những tổn thất mà họ phải gánh chịu sau khi Nga cấm nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp. Bản tin kinh tế của hãng tin Reuters nhận định: Khi đưa ra các lệnh trừng phạt, phương Tây muốn gây sức ép lên Nga trong vấn đề Ukraine; nhưng sự trả đũa qua lại đang có nguy cơ biến thành một cuộc chiến kinh tế.
 

"Các lệnh trừng phạt giữa Nga và EU sẽ khó có thể kéo dài, hoặc hai bên sẽ sớm có những biện pháp để tránh các tranh cãi đi quá xa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế”.

 

Ông Jean Sylvestre Mongrenier 
Chuyên gia

Viện nghiên cứu châu Âu Thomas More

Theo ông Marian Jurecka - Bộ trưởng Nông nghiệp Czech thì rất nhiều trang trại đã đến mùa thu hoạch mà đầu ra duy nhất là thị trường Nga. Thời gian để tìm ra giải pháp cho các sản phẩm nông nghiệp rất ngắn. Trong trường hợp không tiêu thụ được hoặc chính sách đền bù không đủ rất dễ dẫn đến các cuộc biểu tình của nông dân.

Thậm chí giới chức Ba Lan đã yêu cầu Mỹ phải mua táo của họ bởi lệnh cấm xuất khẩu sang Nga. Theo Chủ tịch nghiệp đoàn nông dân Pháp FNSEA Xavier Beulin: Rau, quả không xuất được sang Nga sẽ phải bán tháo vì không thể bảo quản.

Trước đó, Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt, cá, sữa, trái cây và rau quả từ EU, Mỹ, Australia, Canada và Na Uy trong một năm nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của châu Âu nhằm vào Nga. Riêng với Ukraine thì từ nhiều tuần trước, Cơ quan Y tế của Nga đã cấm vận từ khoai tây đến đậu nành, đồ hộp, sữa. Theo Bộ Phát triển kinh tế Nga, nước này nhập khẩu gần 30% thực phẩm bán lẻ từ EU. Năm 2013, kim ngạch thương mại đạt 336 tỉ euro.


Trung Quốc hưởng lợi?


Nga hiện tại là nguồn nhập khẩu số một rau quả sản xuất từ châu Âu. Theo thống kê của viện Eurostat, doanh thu hàng năm khoảng 12 tỷ euro; trong đó nông phẩm Pháp vào Nga năm 2013 lên tới 1,7 tỷ euro. Còn Tây Ban Nha xuất khẩu hàng năm khoảng 100.000 tấn trái cây sang Nga. 
 

Ủy ban châu Âu (EC) ước tính EU sẽ thiệt hại lên tới 50 tỷ euro trong năm nay và 2015 bởi những lệnh cấm liên quan đến tài chính, vũ khí, công nghệ quốc phòng của phương Tây; đó còn chưa kể tới các biện pháp trừng phạt ngược của Nga. 

Các nhà sản xuất lo ngại, châu Á và Nam Mỹ sẽ lợi dụng chỗ trống để chen chân vào thị trường gần 150 triệu dân này và nhất là sau này, sẽ khó để chinh phục lại thị trường của Nga. Quả thực, các lo lắng đó không thừa bởi Trung Quốc vừa công bố kế hoạch mở trung tâm giao dịch hàng hóa tại biên giới với Nga.

Trung tâm này có diện tích trên 70.000m2 với số vốn gần 10 triệu USD. Ông Zhang Chunqiao - Chủ tịch Hiệp hội kinh tế tỉnh Hắc Long Giang cho biết, đây sẽ là địa điểm tập kết để xuất rau, quả và các sản phẩm nông nghiệp sang Nga.

Với lợi thế có cùng biên giới, các tuyến vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt khá thuận tiện. Nhiều khả năng, Nga sẽ nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc để bù lại những thiếu hụt do áp dụng các lệnh trừng phạt với phương Tây. 


Trong một diễn biến khác, Tập đoàn khí đốt quốc gia Gazprom của Nga hôm qua cho biết, trong nửa đầu năm nay, lượng khí đốt xuất khẩu sang EU đạt 80,8 tỷ m3, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ, hiệu quả của chính sách cấm vận vẫn chưa được như mong muốn, chuyên gia kinh tế Kirill Entin cho biết thêm điều tương tự cũng có thể xảy ra với nông sản.

Thanh Huyền
 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.