Sản phẩm mới

Nga đóng xong cặp tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 cho Việt Nam

20/05/2015, 18:15
image

Xưởng đóng tàu Zelenodolsk ở CH Tatarstan đã hoàn tất việc đóng hai tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 cho hải quân Việt Nam.

1.1
Tàu hộ vệ được đóng tại xưởng Zelenodolsk, Nga - Ảnh: Sputnik

"Xưởng Zelenodolsk đã đóng xong hai tàu hộ vệ tên lửa thuộc dự án 3.9 cho hải quân Việt Nam - hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Rafis Fatykhov, đại diện xưởng Zelenodolsk - Việc đóng tàu đã hoàn tất, chúng tôi chỉ còn lắp đặt các loại vũ khí”.

Hồi tháng 11-2014, Itar-Tass đưa tin xưởng đóng tàu Zelenodolsk cam kết sẽ giao hai tàu khu trục nhỏ lớp Gepard cho hải quân Việt Nam vào cuối năm 2016.

Trước đây, hải quân Việt Nam từng tiếp nhận hai tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ thuộc lớp Gepard, cũng được đóng tại xưởng Zelenodolsk, theo TTO.

Trong khi cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 (phiên bản chống ngầm) thứ hai đang được lắp đặt vũ khí tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, Hải quân Việt Nam và Nga tiếp tục đàm phán để mua bổ sung thêm tàu tên lửa Gepard 3.9 nâng cấp với hệ thống tên lửa hiện đại hơn.

1.2
Việt Nam đang đàm phán mua thêm tàu chiến Gepard 3.9 được trang bị các hệ thống vũ khí và tên lửa tối tân của Nga.

"Các cuộc đàm phán đang được 2 bên (Nga và Việt Nam) tiến hành nhằm cung cấp bổ sung thêm các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam với các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn, đặc biệt là hệ thống tên lửa hiện đại", đại diện nhà máy đóng tàu Zelenodolsk, ông Rafis Fatykhov nói với RIA Novosti hôm 19/5.

Mặc dù ông Fatykhov không tiết lộ chi tiết về hệ thống tên lửa hiện đại sẽ được trang bị trong thiết kế tàu Gepard 3.9 mới đang chào hàng cho Việt Nam, nhưng có thể dự đoán đó sẽ là một loại tên lửa chống hạm mới như kiểu Kh-35UE có tầm bắn xa hơn và mạnh hơn tên lửa Kh-35E mà Việt Nam đang sử dụng, hoặc sẽ là một hệ thống tên lửa phòng không trên hạm như Shtil-1 (biến thể hải quân của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M1).

Hiện nay, Hải quân Việt Nam đang sử dụng 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đầu tiên là 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ với trang bị vũ khí gồm 8 ống phóng tên lửa chống hạm cận âm Kh-35 Uran-E, 2 ụ pháo phòng thủ tầm gần 7 nòng 30mm AK-630, 01 pháo hạm 76mm AK-176 và 01 hệ thống phòng không tầm thấp CIWS Palma (2 pháo cao tốc AO-18KD 30mm và 8 tên lửa phòng không 9M311).

Trong khi đó, ngoài các hệ thống vũ khí cơ bản như 2 chiếc đầu tiên, cặp tàu hộ vệ Gepard 3.9 tiếp theo của Việt Nam đang được đóng tại Nga sẽ được trang bị hệ thống vũ khí tăng cường khả năng chống ngầm nhờ hệ thống dò tìm sóng âm và các ống phóng ngư lôi mới. Sau khi 2 tàu Gepard 3.9 này được bàn giao và đưa vào phục vụ, Hải quân Việt Nam sẽ có 4 tàu hộ vệ tên lửa với 2 chiếc chuyên chống hạm và 2 chiếc còn lại có thêm khả năng chống ngầm. Tuy nhiên, các tàu tên lửa này không có khả năng phòng không tầm trung và tạo ra một lỗ hổng tác chiến đáng ngại khi phải đối đầu với các máy bay chiến đấu mang tên lửa chống hạm của đối phương, theo Đất Việt.

 Video cận cảnh sức mạnh tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 - Nguồn video: YouTube


Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 được thiết kế hiện đại, có khả năng tàng hình, có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm; đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.

Chiến hạm lớp Gepard 3.9 có chiều dài 102 m, rộng 13,7 m, lượng dãn nước toàn phần khoảng 2.100 tấn, tốc độ 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý, thời gian chạy liên tục trên biển 20 ngày đêm, có thể chịu được sóng gió cấp 10-12.

Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công tân tiến như tên lửa chống tàu Uran-E (Kh35) có khả năng tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130 km; pháo hạm đa năng AK-176 tốc độ bắn 60-120 phát/phút, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven bờ và trên không với tầm bắn 15 km, độ cao 11,5 km; tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma tốc độ bắn 10.000 phát/phút với tầm bắn 8.000 m; ống phóng ngư lôi 533 mm…

Phía đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28. Với nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm, Ka-28 được trang bị các thiết bị và vũ khí có thể phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm, theo Người đưa tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.