Hồ sơ tài liệu

Nga đưa quân vào Ukraina?

28/02/2014, 06:30

Những diễn biến tại Ukraine trong mấy ngày qua đang đẩy quốc gia này vào nguy cơ ly khai. Giới quan sát nhận định, Nga sẽ đưa quân sang Ukraine để bảo vệ những lợi ích kinh tế ...

Ukraine đang đối mặt với một tương lai hoang tàn nếu đưa ra một lựa chọn không chính xác
Ukraine đang đối mặt với một tương lai hoang tàn nếu đưa ra một lựa chọn không chính xác

Nguy cơ ly khai


Hôm qua (27/2), các tòa nhà chính quyền tại bán đảo Crime (Ukraine) bị một nhóm người có vũ trang chiếm đóng. Cờ của Nga được treo tại cả hai tòa nhà chính quyền ở TP Simferoplo. Chính quyền địa phương cho biết đang đàm phán với lực lượng này. Vụ việc diễn ra một ngày sau khi các vụ đụng độ nổ ra tại Crime giữa những người ủng hộ Nga và những người ủng hộ Chính phủ lâm thời hiện nay. Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine -  Arsen Avakov cho biết, các biện pháp an ninh đặc biệt đang được triển khai để tránh tình trạng đối đầu vũ trang ở trung tâm thành phố.
 

"Ukraine với vị trí địa chính trị chiến lược đã trở thành điểm giao thoa Đông - Tây chịu nhiều tác động và ảnh hưởng không chỉ của Tây Âu và Nga mà còn nhiều nước lớn khác. Cho nên, một khi các nước lớn chưa thống nhất một giải pháp chính trị phù hợp thì giấc mơ ổn định còn xa vời và là cơ hội cho chủ nghĩa ly khai phát triển”.

 

Mark Almond 
Giáo sư sử học Đại học Oxford

Ukraine là quốc gia lớn thứ hai trong không gian hậu Xô-viết, có tính tương đồng về văn hoá cũng như nhiều mối quan hệ sâu rộng với nước Nga. Hiện Hạm đội Biển Đen vẫn đang đóng ở bán đảo Crime. Crime được chuyển cho Ukraine vào năm 1954. Ngoài ra, đa số người dân phía Đông Ukraine là người Nga hoặc con cháu họ và tất nhiên họ không ủng hộ chủ nghĩa dân tộc như những người dân Ukraine chính gốc ở phía Tây. 

Hiện đang có nhiều quan ngại quốc gia 46 triệu dân này có thể chia làm hai: Khu vực thân Nga ở Đông Ukraine và khu vực thân Tây phương ở Tây Ukraine. Đang có tin, miền Đông đang muốn tiếp nhận lực lượng chống bạo động vừa bị Chính phủ tạm quyền giải tán, BBC đưa tin.

Trò chơi của nước lớn


Cũng trong ngày hôm qua, Quốc hội Ukraine đã thông qua một Chính phủ mới. Hầu hết thành viên nội các của Chính phủ mới Ukraine đều là những quan chức thân cận với phương Tây, tờ Channel NewsAsia đưa tin.


Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ đã xây dựng khoản hỗ trợ ban đầu trị giá 1 tỷ USD để viện trợ cho Ukraine. Đồng thời, EU cũng đang tìm khoản vay bảo lãnh trị giá khoảng 1,5 tỷ USD cho Ukraine.


Điều này khiến tình hình càng thêm phức tạp. Cả Nga và EU đều không muốn nhìn thấy Ukraine sụp đổ. Nhưng EU muốn Chính phủ mới có được sự ủng hộ tối đa của người dân, còn Nga muốn cân bằng lại dàn xếp chính trị hiện thời. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi các bên liên quan không được gây sức ép lên Ukraine và “không nên tìm kiếm lợi ích cá nhân” lúc này. Còn Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko ngày hôm qua trong cuộc trao đổi với báo giới tuyên bố, về mặt pháp lý ông Viktor Yanukovych vẫn là Tổng thống chính thức của Ukraine.


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, theo lệnh của Tổng thống Putin, các lực lượng quân khu miền Tây, giáp biên giới Ukraine đã được đặt trong tình trạng báo động. Ông Shoigu cũng cho biết, Nga đang thận trọng xem xét những diễn biến tình hình tại bán đảo Crime và thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo sự an toàn của các phương tiện, cơ sở hạ tầng và kho vũ khí của Hạm đội Biển Đen. 


Trong một nỗ lực xoa dịu căng thẳng ngoại giao, lãnh đạo chính sách đối ngoại EU - bà Catherine Ashton tuyên bố sẽ có một cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày 6/3 tới đây.
 

Hiện có trên 10.000 người Việt Nam đang sinh sống, công tác, học tập và làm việc tại Ukraine, tập trung ở một số thành phố lớn như: Kiev, Kharkov, Odessa. Người Việt tập trung đông nhất ở Kharkov. Đến thời điểm này không có người Việt Nam nào thiệt mạng trong các cuộc đụng độ vừa qua.



Thanh Huyền

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.