Hồ sơ tài liệu

Nga lại “ba máu sáu cơn” với EU

12/03/2015, 11:47

Nga rút khỏi việc tham dự các cuộc họp của Nhóm tham vấn chung về Hiệp ước các lực lượng vũ trang EU.

2 Có ý kiến nghi ngờ liệu quân đội chung EU có phả

Có ý kiến nghi ngờ quân đội chung EU là bản sao của NATO

Nga chính thức rút khỏi việc tham dự các cuộc họp của Nhóm tham vấn chung về Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường châu Âu, một động thái được cho là phản ứng với ý tưởng thành lập quân đội chung EU.

Hiệp ước không bình đẳng

Hôm qua (11/3), ông Anton Mazur, Trưởng phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, thông báo: “Liên bang Nga đã quyết định đình chỉ việc tham dự các cuộc họp của Nhóm tham vấn chung về Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường châu Âu (CFE) từ ngày 11/3/2015. Tuy nhiên, Moscow vẫn để ngỏ khả năng “tiếp tục đối thoại về kiểm soát vũ khí thông thường tại châu Âu nếu các đối tác của chúng tôi trở nên sẵn sàng”, theo Itar-tass.

CFE được đàm phán và ký kết bởi 16 quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và 6 thành viên Khối Warsaw năm 1990. Hiệp ước này đặt ra giới hạn vũ khí thông thường, xe tăng, xe thiết giáp, pháo, trực thăng và máy bay chiến đấu của mỗi quốc gia, như không được vượt quá 16.500 xe tăng hay 27.300 xe thiết giáp đang hoạt động và bắt buộc tiêu hủy các vũ khí dư thừa.

Nga đã nhiều lần cáo buộc Hiệp ước này “không bình đẳng”, vì trong khi phương Tây buộc Nga phải kiểm soát gắt gao hoạt động quân sự của mình, thì NATO lại không ngừng tăng cường mở rộng về phía Đông, áp sát lãnh thổ Nga. 

Động thái trên là dấu hiệu mới nhất của những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây. Một năm qua, quan hệ giữa Nga và phương Tây ở mức xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do liên quan đến những bất ổn tại miền Đông Ukraine và quan điểm khác biệt giữa hai bên trong giải quyết cuộc xung đột này.

Tương lai xa?

Quyết định của Nga được đưa ra sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đề xuất ý tưởng thành lập quân đội Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh quan ngại an ninh gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo ông Juncker, lực lượng này sẽ giúp ngăn chặn những mối đe dọa bên ngoài lãnh thổ của khối cũng như bảo vệ các “giá trị” của châu Âu. 

Tuy nhiên, hôm qua, Ngoại trưởng Grzegorz Schetyna của Ba Lan - một thành viên EU cho rằng, ý tưởng này mang nhiều rủi ro và liệt kê những khó khăn sẽ vấp phải nếu triển khai ý tưởng này, như: Nguồn tài chính, cách thức hoạt động, trách nhiệm huấn luyện. Cố vấn an ninh của Tổng thống Ba Lan cũng cho rằng, đó là ý tưởng “không thực tế”. Còn Thủ tướng Latvia Laimdota Straujuma nghi ngờ, liệu quân đội chung EU có phải là bản sao của NATO hay không.

Hiện NATO đang tăng cường sức mạnh về phía Đông châu Âu bằng việc thành lập một lực lượng tinh nhuệ gồm 5 nghìn binh sĩ và các trung tâm chỉ huy tại 6 nước Đông Âu. Ngay cả Anh cũng không mấy hào hứng với ý tưởng này, theo AP. 

Nhiều khả năng, ý tưởng này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội đồng châu Âu vào tháng 7 tới.

Về phía Nga, Phó Chủ tịch thứ nhất Đảng Nước Nga Thống nhất tại Duma Quốc gia (Hạ viện) và thành viên Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, ông Franz Klintsevich cùng nhận định, quân đội chung EU có thể đóng vai trò khiêu khích đối với hòa bình và an ninh khu vực.

Ông Klintsevich nói rằng, ngay cả trong những năm tháng căng thẳng giữa NATO và khối Hiệp ước Warsaw cũng chưa nước nào có ý tưởng thành lập quân đội chung của châu Âu. Ngày nay, khi Khối Warsaw đã giải tán thì càng không có lý do để thành lập đội quân này.

Các nhà quan sát cho rằng: Nếu châu Âu có một quân đội chung, thì đó được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất gửi đến nước Nga. Ý tưởng nói trên xuất phát từ việc các nước thành viên EU có đội quân gần 1,5 triệu người; nhưng chỉ 1/3 có thể huy động được ngay tức khắc. Về lâu dài (chứ không phải trước mắt), nếu được thành lập thì quân đội chung EU đó sẽ là một đội quân có số lượng hạn chế nhưng tinh nhuệ, phản ứng nhanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.