Công nghệ mới

Nga làm gì với S-500 sau khi bán "Rồng lửa" S-400 cho Trung Quốc?

15/04/2015, 19:57

Nga dự định năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng và trực chiến các hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới S-500.

3.1
Hình ảnh đã xử lý được cho là của bệ phóng cơ động tầm xa P222 (Izdelyie 14Ts033) của hệ thống phòng thủ tên lửa tương lai Nudol (có nguồn nói là S-500) của Tập đoàn Almaz-Antei đăng trong cuốn lịch năm 2015 (Almaz-Antei / militaryrussia.ru)

Nga bán S-400 sau khi thử nghiệm thành công S-500

Theo các nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga, vào cuối tháng 6/2014, Nga đã thử thành công tên lửa chống tên lửa tầm xa dành cho hệ thống tên lửa phòng không tương lai S-500. Và dự định vào năm 2017 sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng và trực chiến các hệ thống tên lửa phòng không tối tân thế hệ mới này.

S-500 hệ thống vạn năng tầm xa, đánh chặn tầm cao, với khả năng phòng thủ tên lửa tăng cường và có thể đánh chặn tên lửa đường đạn. S-500 có thể tiêu diệt cả mục tiêu đường đạn, lẫn mục tiêu khí động (máy bay, trực thăng...) lẫn tên lửa hành trình.

S-500 có bán kính tác chiến 600 km và có khả năng phát hiện và tiêu diệt đồng thời đến 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3.500 km, đường đạn siêu âm bay với tốc độ đến 7 km/s ở độ cao 200 km, cũng như có khả năng tiêu diệt các đầu đạn của tên lửa siêu vượt âm.

S-500 còn có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình. Không chỉ về chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa, mà S-500 chỉ mất thời gian 3-4 giây để triển khai bắn tiếp mục tiêu khác trong khi S-400 mất 9-10 giây. S-500 được cho là nhỏ gọn và tính năng cơ động cao hơn nhiều các hệ thống S-300 và S-400.Hệ thống radar sục sạo và điều khiển hỏa lực của radar S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, có phạm vi phủ sóng vượt trội so với S-400, cự li sục sạo của nó đã đạt tới 800-1000km.

Với tính năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao, tầm xa siêu việt của mình, S-500 đã làm lu mờ cả 3 hệ thống tên lửa lưỡng dụng phòng không và phòng thủ tên lửa Patriot-3, hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất là THAAD và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (bao gồm cả SM-3 và SM-2). 3 hệ thống này chính là cái ô 3 tầng, phòng thủ tên lửa tầm thấp, trung, cao cho Mỹ.

Như vậy, tính năng của S-500 đã tích hợp được tất cả những ưu điểm của PAC-3, Aegis và THAAD, cả 3 hệ thống của Mỹ chưa có tham số nào ngang bằng S-500.

Điểm đặc biệt là, tuy chức năng phòng thủ tên lửa của S-500 mạnh như vậy, nhưng nó là hệ thống thiên về phòng không, vậy các hệ thống phòng thủ tên lửa chính hiệu của Nga là A-135 “Amur” và A-235 “Самолет-М” sẽ mạnh đến cỡ nào? Sự phối hợp của bộ 3 “lá chắn thần” này sẽ tạo thành một chiếc ô phòng thủ tên lửa cực kỳ vững chắc trên bầu trời Nga.

Với tính năng phòng không, phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian ưu việt của S-500, người Nga đã chứng tỏ tuy ngân sách quốc phòng hạn hẹp, không thể phát triển rầm rộ các loại vũ khí như Mỹ, nhưng khả năng tích hợp tính năng đa dụng hơn xa so với Mỹ, công nghệ đỉnh cao vẫn không hề thua kém, thậm chí nhiều mặt còn hơn Mỹ rất xa.

Quân đội Nga có kế hoạch trước năm 2015 sẽ mua tới 200 thiết bị bắn tên lửa S-400 (mỗi thiết bị bắn trang bị 2 - 4 quả tên lửa), và từng bước đào thải hệ thống tên lửa kiểu cũ S-300 và S-200. Điều này có nghĩa là, đến năm 2017 Nga sẽ triển khai ít nhất 18 tiểu đoàn tên lửa S-400, đến năm 2020 sẽ triển khai 56 tiểu đoàn tên lửa (hoặc 28 tiểu đoàn tên lửa lớn, mỗi tiểu đoàn tên lửa lớn có 2 tiểu đoàn tên lửa nhỏ).

3.2
Hệ thống phòng không S-400.

Trung Quốc trả 3 tỉ USD mua "Rồng lửa" S-400

Trước đó, Trung Quốc đã có trong tay 40 tên lửa S-300 của Nga, cũng như 60 tên lửa HQ-15/18 được sản xuất tại Trung Quốc, do đó việc Trung Quốc quyết định mua thêm S-400 là điều không thể tránh khỏi.

S-400 Triumph là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, tầm xa thế hệ mới của Nga, dùng để tiêu diệt tất cả các loại phương tiện tiến công đường không-vũ trụ đương đại và tương lai như máy bay trinh sát, máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến thuật, tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật, tên lửa đường đạn tầm trung, các mục tiêu siêu vượt âm, các máy bay gây nhiễu, máy bay chỉ huy, báo động sớm... Mỗi hệ thống S-400 cho phép bắn đồng thời 36 mục tiêu và dẫn 72 tên lửa vào chúng.

Chi tiết về hợp đồng mua bán vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên đã có những thông tin cho thấy Trung Quốc đã ký “một hợp đồng trị giá 3 tỉ USD cho ít nhất 6 đội S-400, mỗi đội gồm 8 tên lửa” với Nga.

Như vậy mỗi tiểu đoàn tên lửa sẽ tiêu tốn 500 triệu USD, bao gồm chi phí huấn luyện cùng với linh kiện, phụ tùng và tên lửa bổ sung. Mỗi tiểu đoàn tên lửa S-400 có 8 thiết bị bắn, mỗi thiết bị bắn lắp 2 quả tên lửa, cộng thêm 1 trung tâm điều khiển, 1 bộ radar và 16 quả tên lửa sẵn sàng bắn, tất cả trang bị đều là kiểu cơ động.

3.3
Hệ thống phòng không S-400.

Tên lửa S-400 nặng 1,8 tấn, dài 8,4 m, đường kính khoảng 50 cm. Tầm bắn của loại tên lửa này là 400 km, có thể bắn trúng mục tiêu cao 10.000 m. Đầu đạn tên lửa nặng 145,5 kg. Phạm vi quét của radar tìm kiếm mục tiêu là 700 km. Tuổi thọ sử dụng của hệ thống tên lửa S-400 là 15 năm, sau đó cần tiến hành tu sửa.

Hệ thống tên lửa S-400 còn có năng lực phòng thủ tên lửa, nhưng giới hạn ở đánh chặn những tên lửa đạn đạo có tầm bắn khá ngắn (3.500 km) cách 60 km so với thiết bị bắn tên lửa S-400 (cự ly bắn). Điều này có nghĩa là, nó có thể đánh chặn tên lửa bay tới với tốc độ 5.000 m/giây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.