Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (bên phải) bắt tay với Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ngay sau khi ký Hiệp ước INF năm 1987 |
Trong trường hợp Mỹ cũng tuân thủ hiệp ước và sẵn sàng đối thoại về các vấn đề xung quanh hiệp ước này, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố như vậy ngày 8/12.
Tuyên bố cũng cảnh báo rằng Nga không chấp nhận bất kỳ sức ép quân sự, chính trị hay trừng phạt nào.
Trước đó ngày 7/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Kommersant, tuyên bố Nga chủ trương duy trì INF, nhưng cần cách tiếp cận có trách nhiệm hơn từ phía Washington.
Ông Ryabkov nhấn mạnh để loại bỏ những vấn đề xung quanh hiệp ước, đối thoại song phương Nga-Mỹ cần tiếp tục nhưng phải mang tính cụ thể hơn. Ông cũng cảnh báo nếu Mỹ có những bước đi thực tế phá vỡ hiệp ước, Nga sẽ ngay lập tức có biện pháp đáp trả.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết cuộc họp của ủy ban giám sát việc thực hiện hiệp ước giữa Nga và Mỹ có thể diễn ra trong thời gian tới. Cuộc họp gần đây nhất của ủy ban này diễn ra ngày 15-16/11/2016 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Về phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon khẳng định chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết tâm làm tất cả để duy trì tính toàn vẹn của INF.
Ông nhấn mạnh INF là một công cụ quan trọng để đảm bảo an ninh và ổn định tại châu Âu và châu Á.
INF được ký kết giữa Liên Xô trước đây và Mỹ vào ngày 8/12/1987, có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, quy định cấm sản xuất và triển khai các loại tên lửa tầm ngắn (từ 500 đến 1.000 km) và tầm trung (từ 1.000 đến 5.500 km) đặt trên mặt đất.
Tổng cộng khi đó Liên Xô đã tiêu hủy 1.846 tên lửa trong khi Mỹ loại bỏ 846 tên lửa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận