Quân sự

"Ngã ngửa" khi tính toán tổn thất người và của sau xung đột ở Dải Gaza

22/05/2021, 08:42

Dù chưa có tính toán chính thức nhưng tổn thất sơ bộ đã cho thấy thiệt hại mà Israel - Hamas phải gánh chịu cả về người và của là vô cùng lớn.

img

Để đảm bảo tỉ lệ chính xác cao, hệ thống đánh chặn phòng không Vòm Sắt có thể phóng đến 2 quả tên lửa để chặn 1 quả rocket giá rẻ của Hamas

Hai bên đều tổn thất nặng

Ước tính ban đầu, xét thiệt hại và kinh tế, Dải Gaza sẽ là bên chịu thiệt hại nhiều hơn nhưng tính về chi phí vũ khí, đạn dược cho cuộc xung đột này thì có thể Israel gánh chịu tổn thất không nhỏ.

Tại Gaza, Bộ Gia cư Palestine tính toán, các cuộc không kích từ Israel đã làm hư hại khoảng 16.800 ngôi nhà. Trong đó, 1.800 ngôi nhà không còn ở được, 1.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Ngoài ra, người dân Gaza chỉ còn có điện để thắp sáng trong 3-4 giờ/ngày thay vì 12 tiếng như trước xung đột.

Theo các phương tiện truyền thông của phong trào Hồi giáo Hamas, những trận không kích từ Israel cũng gây tổn hại tới các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp với thiệt hại lên tới 40 triệu USD; ngành năng lượng tổn thất 22 triệu USD.

Cơ quan Nông nghiệp trên Dải Gaza ước tính thiệt hại về nhà kính, đất nông nghiệp và trang trại gia cầm lên tới 27 triệu USD.

img

Không quân Israel tấn công một mục tiêu của người Palestine ở Dải Gaza.

Nhưng, tính đến thiệt hại nặng nề nhất với dải đất Địa trung hải này phải kể đến hơn 230 người Palestine bao gồm 65 trẻ em thiệt mạng; khoảng 120.000 người phải sơ tán.

Cơ quan Cứu trợ và Hoạt động của Liên Hợp Quốc (UNRWA) đã kêu gọi bổ sung thêm 38 triệu USD và trợ cấp nhân đạo khẩn cấp cho cả Gaza và khu vực Bờ Tây.

Từ Israel, hiệp hội các nhà sản xuất sở tại cho biết, thiệt hại đối với nền kinh tế của đất nước Do thái trong 3 ngày 11-13/5 là khoảng 166 triệu USD vì khu vực phía Nam và miền Trung của Israel là nơi hứng chịu tên lửa nặng nề từ Gaza. Con số trên chưa bao gồm thiệt hại về cơ sở vật chất của các nhà máy.

Trong khi đó, hiệp hội các nhà sản xuất, bộ tài chính và ngân hàng trung ương Israel chưa thể cập nhật chính xác thiệt hại về kinh tế.

Với thiệt hại về người, dù hứng chịu "làn mưa tên lửa" tấn công dồn dập từ Gaza nhưng nhờ "lá chắn" bảo vệ tối tân, đất nước Do thái ghi nhận số người thiệt mạng bằng 1/20 của Palestine với 12 dân thường bao gồm 2 người Thái Lan và 1 người Ấn Độ.

Cỗ máy ngốn tiền Vòm Sắt

img

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel có thể đã cạn tên lửa Tamir

Đặc biệt, tiềm lực vũ khí, tên lửa đáng kinh ngạc cùng chiến lược tấn công liên tiếp của Hamas lần này được nhận định đã khiến hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel trở thành "cỗ máy ngốn tiền" của Israel.

Bởi để đạt hiệu quả cao nhất, hệ thống phòng thủ tinh vi này có thể dùng tới 2-3 tên lửa Tamir (trị giá từ 40.000 USD-100.000 USD/quả) để đánh chặn 1 tên lửa rẻ tiền, tự chế/buôn lậu từ Hamas.

Đồng nghĩa, Israel phải tốn khoảng 160 triệu - 400 triệu USD để đối phó với hơn 4.000 quả rocket được dân quân Palestine khai hỏa chỉ trong 11 ngày qua.

Có lẽ, đoán định tổn thất về vũ khí với Israel lần này rất lớn nên ngay sau khi hai bên chính thức tuyên bố ngừng bắn, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết Washington sẽ hỗ trợ Israel khôi phục kho dự trữ đạn đánh chặn của hệ thống Vòm sắt.

Thực tế, trong cuộc chiến Israel-Palestine năm 2014, trong 7 tuần, Hamas cũng chỉ phóng hơn 4.500 quả tên lửa và đạn cối sang Israel (hơn vài trăm quả so với lần giao tranh này) và lúc đó Mỹ đã viện trợ khẩn 225 triệu USD để Tel Aivi tích trữ tên lửa Tamir.

Lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza của Palestine, chính thức có hiệu lực từ sáng 21/5. Thoả thuận đạt được nhờ vai trò hoà giải tích cực của Ai Cập, Qatar, tạm thời kết thúc 11 ngày Israel-Hamas giao tranh khốc liệt.

Đọc thêm: Xung đột Gaza tạo “cơ hội vàng” cho Thủ tướng Israel củng cố thế lực

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.