Hàng hải

“Ngã ngửa” vì nạo vét cảng bến bị đòi… thuế khoáng sản

25/05/2022, 07:02

Sở TN&MT Bà Rịa-Vũng Tàu bất ngờ gửi văn bản yêu cầu đóng các loại thuế đối với chất nạo vét vùng nước trước bến khiến nhiều DN cảng “ngã ngửa”.

Đồng loạt kiến nghị thu hồi văn bản

Các doanh nghiệp kinh doanh cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đồng loạt ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị không áp dụng quy định nộp thuế và phí tài nguyên khoáng sản đối với khối lượng vật chất nạo vét từ hoạt động nạo vét duy tu vùng nước trước bến cảng.

img

Việc nạo vét định kỳ tại khu vực các cảng là để đảm bảo độ sâu, sự an toàn cho các phương tiện vào cảng làm hàng (Trong ảnh: Nạo vét tại khu vực cảng Cái Mép)

Đồng loạt kiến nghị thu hồi văn bản

Các doanh nghiệp kinh doanh cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đồng loạt ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị không áp dụng quy định nộp thuế và phí tài nguyên khoáng sản đối với khối lượng vật chất nạo vét từ hoạt động nạo vét duy tu vùng nước trước bến cảng.

“Kể từ khi được đưa vào khai thác đến nay, chúng tôi hoạt động theo công năng của một cảng biển như đã đăng ký trong Giấy chứng nhận đầu tư.

Chúng tôi không đăng ký kinh doanh khai thác khoáng sản hay vật chất nạo vét duy tu và do vậy cũng không phải là đơn vị khai thác khoáng sản theo quy định tại điều 51, Luật Khoáng sản”, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển tại đây cho biết.

Cũng theo các DN này, công tác duy tu nạo vét khu nước trước bến cảng hàng năm là yêu cầu thiết yếu và gắn liền với hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển, nhằm đảm bảo độ sâu bến cần thiết và an toàn để tiếp nhận các tàu ra vào cảng và xếp dỡ hàng hóa.

Công tác này không nhằm vào mục đích thu hồi khoáng sản. Các DN cảng không sử dụng vật chất nạo vét duy tu để kinh doanh, hưởng lợi ngoài hoạt động sản xuất chính của mình.

Do vậy, hoạt động nạo vét duy tu không phải là hoạt động khai thác khoáng sản như quy định tại Khoản 7, Điều 2, Luật Khoáng sản.

Cũng theo các DN này, trước đây có quy định rõ khu vực nhận chìm vật chất nạo vét ngoài biển. Tuy nhiên, với các quy định pháp luật mới thay đổi, thủ tục xin cấp phép nhận chìm ngoài biển gặp rất nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cảng.

Các DN cảng phải tự xoay xở tìm khu vực trên bờ có thể tiếp nhận vật chất nạo vét duy tu, nhằm đảm bảo độ sâu khai thác trước bến.

Các khu vực này có thể trong tỉnh hoặc thuộc các tỉnh, thành khác ngoài tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thậm chí, rất xa cảng. Do đó, thời gian thi công và chi phí cho công tác này tăng lên rất nhiều lần so với trước đây làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho DN.

Trước khi triển khai công tác nạo vét duy tu, các DN cảng đều thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định và được sự chấp thuận của Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, thành có khu vực tiếp nhận vật chất nạo vét.

Trong hồ sơ đã trình nộp, các DN cảng không phải thực hiện xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hay Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, về nghĩa vụ tài chính, trong tiến trình vận hành khai thác cảng và công tác nạo vét duy tu khu nước trước bến, các DN cảng đều tuân thủ đầy đủ các quy định.

Việc phát sinh chi phí đã gây ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách hoạt động hàng năm đã được thông qua của các DN cảng.

Thu thuế kiểu hồi tố là chưa thỏa đáng

Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Lê Công Minh nói: “Nạo vét duy tu trước bến cảng để duy trì độ sâu, tiếp nhận tàu an toàn. Trong nhiều thập kỷ qua, các DN cảng được tạo điều kiện cho đổ chất nạo vét trước bến cảng ra biển”.

Cũng theo ông Minh, sau khi có sự cố môi trường nghiêm trọng gây ra bởi Formosa (Hà Tĩnh), pháp luật về bảo vệ môi trường có nhiều thay đổi, DN sản xuất không được đổ chất thải ra môi trường, đặc biệt là nhận chìm chất thải chưa qua xử lý theo quy định xuống biển.

Theo Cục Hàng hải VN, chất nạo vét trong hoạt động nạo vét, duy tu bản chất chỉ là sa bồi hàng năm, không chứa các chất thải nguy hại và không phải là khoáng sản.
Chất nạo vét ở dạng bùn lỏng, sệt, chưa thể tận dụng được ngay, vì vậy cần vị trí có diện tích lớn trên bờ để lưu chứa, cần thời gian dài để tách nước, giảm độ mặn và phải có kinh phí, biện pháp xử lý.


Những quy định mới điều tiết cả việc nhận chìm vật chất nạo vét luồng, nạo vét duy tu trước cảng biển (vốn ít gây ô nhiễm) theo kế hoạch định kỳ.

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện thủ tục xin phép nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển ngay tại những vị trí được quy hoạch cũng không hề đơn giản.

DN cảng biển đã thử thực hiện mà không nổi do phải qua quá nhiều khâu, nhiều ngành (môi trường, nông nghiệp, quốc phòng, địa phương), mất cả năm trời và tốn chi phí không nhỏ cho mỗi lần nạo vét.

Cũng từ đây, phương án tận dụng vật chất nạo vét để sản lấp trên bờ được nêu ra.

Tuy nhiên, phương án này cũng chỉ có hiệu quả nếu được chính quyền địa phương công bố được những địa điểm san lấp có quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu nạo vét của Nhà nước và doanh nghiệp hàng năm và dài hạn.

Thực tế, cho đến nay toàn bộ những công việc thủ tục nạo vét nêu trên được giao cho doanh nghiệp, chủ dự án có nhu cầu nạo vét phải tự xoay xở.

“Điều này không đúng với chủ trương kiến tạo để phát triển của Chính phủ, không đúng với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động đặc biệt là để vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh hiện nay”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, không có doanh nghiệp cảng biển nào có đăng ký kinh doanh khai thác bùn, cát nạo vét. 19 doanh nghiệp cảng biển ký tên vào đơn kiến nghị đã thực hiện san lấp chất nạo vét trên bờ trong nhiều năm qua.

Điều này chứng tỏ là DN không được hướng dẫn và hỗ trợ đầy đủ ngay từ đầu bởi cơ quan quản lý môi trường.

Việc thông báo hồi tố về việc thu thuế như vậy là chưa thỏa đáng và có phần đùn đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp phải gánh chịu do những bất cập trong quản lý Nhà nước về môi trường.

Trước những khó khăn của DN cảng, theo thông tin của Báo Giao thông, Cục Hàng hải VN cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc các doanh nghiệp cảng thực hiện nạo vét duy tu, đổ chất nạo vét lên bờ và không thu hồi sản phẩm nạo vét không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Khoáng sản và các quy định liên quan.

Lãnh đạo Cục Hàng hải VN cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp thực hiện nạo vét duy tu của các doanh nghiệp cảng biển đổ chất nạo vét lên bờ và không thu hồi sản phẩm nạo vét tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung quy hoạch khu vực nhận chìm chất nạo vét ngoài biển vào quy hoạch không gian biển quốc gia cũng như có ý kiến tới UBND các tỉnh có cảng biển sớm quy hoạch, công bố khu vực đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển để các tổ chức, cá nhân có thể triển khai thực hiện đảm bảo hoạt động hàng hải được ổn định.

Không đánh đồng khoáng sản với vật chất nạo vét

Trao đổi nhanh với PV Báo Giao thông, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị đã nhận được văn bản và đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan.

Theo vị này, nạo vét luồng đường thuỷ nội địa hay cảng sông, cảng biển là hoạt động bình thường của ngành giao thông, nhằm khơi thông luồng lạch, đảm bảo lưu lượng vận chuyển...

Trên thực tế, khi nạo vét, khơi thông luồng, cảng sông, cảng biển, trong khối lượng vật chất nạo vét có thể thu hồi được cả khoáng sản.

Theo quy định, nếu có một khối lượng khoáng sản trong vật chất nạo vét, doanh nghiệp được thu hồi, sử dụng theo quy định của pháp luật về khoáng sản nhưng phải đăng ký khối lượng, phương pháp và thời gian nạo vét.

Trên cơ sở khối lượng khoáng sản thực tế thu hồi được, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định.

Trong trường hợp này, không nên hiểu đồng nghĩa cụm từ "vật chất nạo vét" với "khoáng sản thu hồi được” trong quá trình nạo vét, mà phải kiểm tra, xác định cụ thể để đối chiếu với quy định.

"Vật chất nạo vét" bao hàm nội hàm nhiều thứ, không chỉ riêng khoáng sản.

Ví dụ, trong vật chất nạo 100.000 m3 chỉ có 5.000- 7.000 m3 là khoáng sản thì doanh nghiệp kê khai và nộp thuế phí 5.000-10.000 m3 là khoáng sản.

Địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tế, kiểm tra, xác định khối lượng khoáng sản, nếu đúng là khoáng sản thì hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện như đã nêu trên", vị đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói.

Đức Hùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.