Thời sự Quốc tế

Nga quyết định xây bảo tàng trong lòng đất dưới chân Điện Kremlin

04/09/2019, 10:39

Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện ra một phần nền móng của Cung điện Nikolaevsky.

img
Điện Kremlin nhìn từ bên ngoài.

Báo chí Nga đưa tin, cơ quan phụ trách hạ tầng Glavgosexpertiza nhà nước Nga đã phê duyệt dự án xây dựng bảo tàng khảo cổ dưới lòng đất dựa trên phần còn lại nền móng ngôi đền được tìm thấy dưới tòa nhà số 14 trong khuôn viên Kremlin.

"Tổ hợp bảo tàng sẽ được xây dựng trên cơ sở phần còn lại của nền móng đền thờ ""Phép lạ của Mikhail Arkahagel", được phát hiện dưới tòa nhà số 14 trong khu vực điện Kremlin", - bản tin của trang Sputnik dẫn thông tin từ Glavgosexpertiza cho biết.

Tòa nhà hành chính số 14 được xây dựng vào năm 1932-1934 giữa Cổng Spassky và Cung Thượng viện của Điện Kremlin Moscow, trên địa điểm của Tu viện Chudov và Voznesenskogo, cùng với cung Nikolaevsky nhỏ, bị phá hủy năm 1929.

Vào năm 2015-2016, phần trên mặt đất của tòa nhà số 14, không có giá trị lịch sử, đã bị dỡ bỏ, và các nghiên cứu khảo cổ học đã được thực hiện tại vị trí đó.

Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện ra một phần nền móng của Cung điện Nikolaevsky nhỏ và Nhà thờ của Tu viện Blagoveshcheniya Chudov.

"Đến thăm địa điểm thu hút mới trong Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị xây dựng các đề xuất cho việc bảo tồn nền móng. Do đó đã quyết định tạo ra một quần thể bảo tàng khảo cổ dựa trên cơ sở cấu trúc ngầm, sẽ trở thành một trong những nhánh của Bảo tàng Kremlin Moscow", - thông báo nói thêm.

Theo dự án, sảnh, khu vực gửi đồ, phòng bảo vệ và văn phòng sẽ được đặt ở tầng ngầm -1 của bảo tàng tương lai, tầng -2 sẽ có gian bảo tàng, phòng thiết bị đa phương tiện và khu vực kỹ thuật.

Tổng diện tích của khu phức hợp sẽ là hơn 1,5 nghìn mét vuông. Phía trên của hiện trường khai quật trong sảnh chính của bảo tàng sẽ là kính trong suốt. Ngoài ra, các tủ trưng bày và bệ đỡ hiện vật cũng sử dụng kính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.