Thế giới

Nga: Tên lửa Oreshnik có thể mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá 900 kiloton

29/11/2024, 08:16

Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ Nga Obyasnyaem.rf, tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Oreshnik có thể trang bị đầu đạn hạt nhân có sức công phá 900 kiloton.

Obyasnyaem.rf cho biết Oreshnik là loại IRBM duy nhất hiện được sử dụng trong biên chế quân đội Nga. Oreshnik có tầm hoạt động tối đa 5.500km và có thể bay với vận tốc Mach 10 (tương đương 12.400km/h) và có thể mang được đầu đạn có trọng lượng 1,5 tấn.
Nga: Tên lửa Oreshnik có thể mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá 900 kiloton- Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung Oreshnik đánh trúng mục tiêu ở Ukraine (Ảnh: Reuters).

Phía Nga khẳng định: "Nếu được khai hỏa từ bãi thử Kapustin Yar trên lãnh thổ Nga, Oreshnik chỉ mất 17 phút để bay tới trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, 15 phút tới căn cứ không quân Mỹ Ramstein ở Đức và 11 phút tới căn cứ tên lửa Mỹ Redzikowo ở Ba Lan".

Oreshnik lần đầu tiên được nhắc công khai vào ngày 21/11 vừa qua khi Tổng thống Vladimir Putin thông tin về vụ tập kích bằng tên lửa này (không trang bị đầu đạn hạt nhân) vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Ukraine ở Dnipro.

Một ngày sau, ông Putin tuyên bố Nga đã trữ sẵn số lượng lớn tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik để có thể sử dụng bất kỳ lúc nào. 

Ông Putin lưu ý Oreshnik không phải là phiên bản hiện đại hóa của những dòng vũ khí Liên Xô trước đây mà là kết quả của việc phát triển công nghệ vũ khí tối tân của Nga trong thời gian qua. 

Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng sử dụng tên lửa siêu thanh Oreshnik nếu thấy cần thiết và cam kết sẽ báo trước cho người dân mỗi lần thực hiện các vụ tập kích mà không phải lo sợ bị đáp trả.

"Tại sao chúng tôi không phải lo sợ? Bởi không có cách nào có thể đối phó với tên lửa siêu thanh Oreshnik. Các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện tại do Mỹ và châu Âu triển khai trên khắp thế giới không thể đánh chặn", ông Putin lý giải.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi đó đã cực lực lên án vụ tập kích. Ông Zelensky coi đây là hành động làm leo thang căng thẳng nghiêm trọng và hối thúc đồng minh cần có biện pháp đáp trả.

Đáp lại, phía Nga cho rằng vụ phóng tên lửa là để trả đũa việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh cung cấp tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, giới chức quân đội Mỹ nhận định, thiết kế của loại tên lửa mới của Nga dựa trên mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-26 Rubezh. Tên lửa Oreshnik hiện mới được thử nghiệm và Nga nhiều khả năng chỉ sở hữu một vài quả loại này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.