Thế giới

Nga - Thổ bắt tay: Địa chính trị mới cho Trung Đông

12/10/2016, 07:03
image

Việc Nga - Thổ xích lại gần nhau là do hai bên có các mục tiêu chung.

nga tho
Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ tại cuộc họp ở Istanbul hôm 10/10

Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận về đường ống dẫn khí TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 10/10 cũng như đạt đồng thuận về tiến trình bình thường hóa toàn diện quan hệ song phương cho thấy mối quan hệ hai nước đang dần ấm lên, theo Reuters ngày 11/10.

Cục diện mới

Cuộc gặp ngày 10/10 giữa Tổng thống Nga Putin với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỹ Tayyip Erdogan được xem là một trang mới cho mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. “Thổ Nhĩ Kỳ đã quay sang Moscow và quay lưng lại với phương Tây và nếu “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” vận hành, Ukraine sẽ ở vào một tình thế rất xấu”, trang Pravda Report dẫn lời ông Dmitry Marunich - Chủ tịch Quỹ Năng lượng chiến lược Ukraine.

Trước đó, một nguồn tin ngoại giao từ Liên minh châu Âu (EU) từng bày tỏ quan ngại việc nối lại Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ giúp củng cố vị thế của Moscow trong thị trường khí đốt châu Âu và cắt giảm nguồn cung năng lượng qua Ukraine. Nếu “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đi vào hoạt động, chắc chắn Ukraine sẽ mất cơ chế trung chuyển khí đốt sang châu Âu, sự phụ thuộc của EU vào “Gazprom” sẽ tăng lên và nguồn cung cấp khí đốt thay thế từ khu vực Caspian sẽ bị chặn, theo Sputnik.

Biến cố lớn trong quan hệ hai bên xảy ra vào ngày 24/11 năm ngoái, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga gần biên giới Syria. Moscow đáp lại bằng cách áp lệnh trừng phạt toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong chuyến thăm tới Istanbul của ông Putin, hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ hướng tới hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung cho cuộc chiến ở Syria, tăng cường hợp tác năng lượng, quan hệ thương mại, du lịch và quốc phòng. “Hôm nay là một ngày ý nghĩa giữa tôi và Tổng thống Nga Putin, chúng tôi đã thảo luận về quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi hoàn toàn tin tưởng quá trình bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm đạt được”, ông Erdogan nói tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với ông Putin.

Mỹ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ “xích lại” gần Nga?

Trang Deutsche Welle trong một bài bình luận, gọi chuyến thăm của ông Putin tới Istanbul là “không thể tưởng tượng” được. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, cuộc gặp của ông Putin với ông Erdogan thực chất là một kết quả của một loạt các chuỗi vấn đề trước đó, hay nói cách khác, chính Mỹ là nhân tố khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xích lại gần nhau.

Ngay sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 năm nay, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ là người đứng sau vụ đảo chính, đồng thời yêu cầu Washington dẫn độ ông Fethullah Gulen về nước. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ còn cảnh báo rằng, những quốc gia nào ủng hộ Gulen sẽ bị xem là trong tình trạng chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa hết, Ankara còn đóng cửa tất cả các hoạt động của Mỹ và NATO tại căn cứ không quân Incirlik -  “nhà” của ít nhất 1.500 nhân viên Mỹ. Căn cứ Incirlik đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu.

Còn với Nga, tuần trước, Tổng thống Putin ký sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận xử lý plutonium ở cấp độ vũ khí được thiết lập sau Chiến tranh lạnh với Mỹ, nguyên do được Moscow đưa ra là vì “những hành động thù địch của Mỹ chống Nga”. Cũng trong tuần trước, sau khi thoả thuận plutonium bị đình chỉ, cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về thực thi lệnh ngừng bắn ở Syria đổ vỡ, Mỹ tuyên bố hủy bỏ cuộc đàm phán kèm theo cáo buộc Nga không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn.

TS. Maxim A. Suchkov - chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế của Nga tại Đại học Pyatigorsk cho rằng, việc Nga - Thổ xích lại gần nhau là do hai bên có các “mục tiêu chung, nói cách khác là đã tìm thấy tiếng nói chung và sự đồng cảm trong nhiều vấn đề. Trong khi tờ “Đa chiều” có trụ sở tại Mỹ nhận định: “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dường như đã tìm thấy sự an ủi từ người đồng cấp Nga”. Chưa kể, việc Nga-Thổ bắt tay nhau sẽ tạo ra một cục diện địa chính trị mới cho Trung Đông - đặc biệt là đối với cuộc chiến tại Syria.

 >>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.