Thế giới

Nga tìm cách phá bao vây kinh tế của EU

03/12/2014, 09:19

Với tuyên bố Nga không thể tiếp tục dự án "Dòng chảy phương Nam" để vận chuyển khí đốt tới châu Âu, Tổng thống Putin cho thấy Nga đang bắt đầu chiến lược phá vây kinh tế của các nước phương Tây.

Tổng thống Putin đồng ý giảm giá khí đốt 6% và giảm đến 15% cho Thổ Nhĩ Kỳ tùy theo tình hình triển khai các dự án chung
Tổng thống Putin đồng ý giảm giá khí đốt 6% và giảm đến 15% cho Thổ Nhĩ Kỳ tùy theo tình hình triển khai các dự án chung

Hủy dự án 40 tỷ USD với EU

Hôm qua (2/12), Reuters dẫn lời đại diện Tập đoàn Gazprom cho biết, sẽ hủy xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” (South Stream) cung cấp cho châu Âu. Đây là dự án đường ống dẫn khí đốt có chiều dài gần 900 km do Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) và Tập đoàn năng lượng ENI (Italia) khởi xướng năm 2012. Dự án có tổng vốn khoảng 40 tỷ USD  với công suất 63 tỷ m3 khí đốt/năm. Với hệ thống này, Nga có thể cung cấp khí đốt cho EU mà không phụ thuộc vào Ukraine. Hiện, Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt và 30% lượng dầu mỏ nhập khẩu của EU. Dự kiến, dòng khí đốt đầu tiên sẽ được bơm qua đường ống vào cuối năm 2015.   

Trong phiên giao dịch ngày 2/12, đồng ruble Nga mất giá thêm 8%. Đây là hậu quả của thế giới dư thừa dầu mỏ và của chính sách trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Ngoài ra, việc OPEC - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ quyết định giữ nguyên sản lượng 30 triệu thùng/ngày, dẫn đến dư thừa cung càng gây thêm khó khăn cho Nga.

Dự án “Dòng chảy phương Nam” được cho là có tầm quan trọng chiến lược trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho bán đảo Balkan cũng như toàn bộ châu Âu.  Tuy nhiên, dự án đang triển khai trên lãnh thổ Bulgaria thì bị nước này đình chỉ theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC) và Bulgaria cũng không cho phép đường ống đi qua lãnh thổ nước này. Vì thế, theo ông Putin, sẽ không hợp lý nếu tiếp tục đầu tư vào dự án. Nếu EU không muốn hệ thống đường ống khí đốt này thì Nga không để điều đó xảy ra. Và Nga có thể giảm lượng khí đốt cung cấp cho EU, tăng xuất khẩu sang châu Á. 

Ông Putin nêu rõ: “Đến nay dự án vẫn chưa được phía Bulgaria cấp phép nên chúng tôi không thể tiếp tục thực hiện dự án này”. Lý do trực tiếp không được cấp phép, theo ông Putin, là do Bulgaria chịu sức ép từ EU. Như vậy, Bulgaria sẽ mất đi một khoản phí trung chuyển khí đốt khoảng 400 triệu euro/ năm, theo AP.

Các chuyên gia phân tích đều cho rằng, động thái mới này liên quan đến việc EU trừng phạt Nga vì các vấn đề liên quan tới Ukraine.

Tìm kiếm đồng minh mới

Tuyên bố nói trên của ông Putin được đưa ra trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/12 và cho biết sẽ phải thay thế “Dòng chảy phương Nam” bằng những tuyến đường ống khác. Một trong những phương án thay thế là xây dựng đường ống mới, công suất 63 tỷ m3/năm đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó 14 tỷ m3 phục vụ nhu cầu trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ, số còn lại sẽ cung cấp cho các nước Nam Âu.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm nói trên, ông Putin còn đồng ý tăng lượng khí đốt xuất khẩu cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm 3 tỷ m3 và giảm giá 6%; Thậm chí có thể giảm đến 15% tùy theo tình hình triển khai các dự án chung. Ngoài ra, Nga không loại trừ sẽ xây dựng nhà máy hạt nhân thứ ba tại Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần hình thành nên ngành Năng lượng hạt nhân của nước này. 

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Erdogan đã chỉ thị nghiên cứu vấn đề hạ thuế suất cho tập đoàn nguyên tử Nga Rosatom từ 20% xuống 2% trong các dự án xây dựng này.

Đồng thời, hai bên tìm cách để Thổ Nhĩ Kỳ tăng quy mô và khối lượng xuất khẩu thực phẩm sang Nga sau khi Moscow quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa nhằm vào các nước thuộc Liên minh châu Âu do cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cả hai đặt ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương từ 33 tỷ USD hiện nay lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Quang Minh  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.