Thế giới giao thông

Nga xem xét cấm nhập khẩu ô tô từ phương Tây

27/08/2014, 07:32

Nga tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với phương Tây, trong đó có cả lệnh cấm nhập khẩu ô tô nếu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga.

Chính phủ Nga đang lên kế hoạch cấm nhập khẩu ô tô nhằm trả đũa phương Tây
Chính phủ Nga đang lên kế hoạch cấm nhập khẩu ô tô nhằm trả đũa phương Tây


Cấm để trả đũa


Người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định: “Nhiều lựa chọn đang được đưa ra bởi các đối tác tiếp tục có những hành động không mang tính xây dựng, thậm chí còn phá hoại” và “quy mô các biện pháp trừng phạt bổ sung của Điện Kremlin sẽ phụ thuộc vào các hình thức mà phương Tây thông qua trong tương lai”. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cho biết, Chính phủ cũng đang xem xét các biện pháp bảo hộ trong lĩnh vực hàng không, đóng tàu và công nghiệp ô tô, không loại trừ các biện pháp trừng phạt.

Liên quan đến việc bảo vệ các hãng sản xuất trong nước, cuối tháng 7, Chính phủ Nga đề ra quy định cấm các cơ quan cấp Liên bang cũng như địa phương mua sắm xe ô tô nước ngoài. Quy định không chỉ áp dụng cho các xe công vụ mà cả phương tiện giao thông công cộng và xe chuyên dụng. Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, Chính phủ muốn hỗ trợ ngành sản xuất xe hơi trong nước. Như vậy, các cơ quan Nhà nước của Nga chỉ có thể mua xe sản xuất tại Nga để phục vụ nhu cầu của mình. Thủ tướng Medvedev cho rằng, sẽ tốt hơn khi khoản chi ngân sách lớn dành mua vật dụng và dịch vụ đến với các công ty Nga.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô thuộc Ủy ban Các doanh nghiệp châu Âu Joerg Schreiber cho biết: “Chúng tôi đang thật sự lo ngại và hy vọng Chính phủ Nga sẽ cân nhắc kỹ trước khi đưa ra bất cứ biện pháp cấm vận nào làm tổn thương các nhà sản xuất”. Giới phân tích cho rằng, tác động từ các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nhà sản xuất ô tô nước ngoài sẽ giảm nhẹ nếu họ có nhà máy đặt tại nước Nga. Tuy nhiên, một số thương hiệu cao cấp như Mercedes-Benz của Daimler AG sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Vedomosti, lệnh cấm nhập khẩu ô tô đã được đề xuất trước khi Tổng thống Putin trả đũa phương Tây bằng lệnh cấm nhập toàn bộ nông sản của EU và Mỹ. Ông Putin khi đó bác bỏ ý tưởng này. Tuy nhiên, ông Putin cũng khẳng định, đây có thể là lựa chọn cần thiết trong trường hợp Nga bị phương Tây tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt mới. Bộ Công nghiệp Nga cũng không có bình luận gì về thông tin này. Bài viết trên Vedomosti không nêu rõ lệnh cấm vận được đề ra sẽ bao gồm các hãng xe nào hay các phân khúc xe loại nào. Trong nửa đầu năm 2014, nhập khẩu đang chiếm 27% doanh số xe gia đình của Nga, trong khi xe tải chiếm 46% và xe buýt là 13%. Tháng 7 năm ngoái, Nga từng được dự báo sẽ vượt qua Đức để trở thành thị trường xe hơi lớn nhất châu Âu.


Ai được lợi?


Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đầu tư 5 tỷ USD mở các công ty sản xuất ở Nga từ giữa những năm 2000. Nga khuyến khích xu hướng này bằng cách tăng thuế nhập khẩu xe và giảm thuế đối với các thiết bị phụ tùng. Hiện nay, các hãng xe nổi tiếng như Ford của Mỹ, Volkswagen của Đức, Renault của Pháp, Toyota của Nhật và Hyundai của Hàn Quốc... là các công ty có nhà máy đặt tại các địa phương của Nga. Hãng Daimler (Đức) đã liên doanh với công ty sản xuất xe tải Kamaz OAO của Nga nhưng không sản xuất ô tô con tại đây. Doanh số của hãng này tại Nga năm 2013 là 44.376 chiếc, tăng 19% so với năm 2012 và chiếm 3% doanh số của Mercedes trên toàn cầu.


Một thương hiệu xe hơi lớn của Đức khác là BMW lại được hưởng lợi nếu lệnh cấm nhập khẩu ô tô này đưa ra. Nhờ đã có cơ sở sản xuất tại Nga, BMW hứa hẹn sẽ đánh bại Mercedes-Benz nhờ độc quyền trong nhiều phân khúc sedan hạng sang. Doanh số của BMW năm 2013 đạt 42.071 xe, tăng 12% so với năm 2012 tại Nga. BMW và Daimler đều từ chối bình luận về thông tin này. Volkswagen, công ty nhập khẩu xe vào Nga chỉ tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ tình hình. 


Trong khi đó General Motor ngày 22/8 đã giảm sản lượng ô tô sản xuất tại Nga do nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu trong bối cảnh xung đột tại Ukraine. Lệnh cấm nhập khẩu xe của Nga khiến các nhà sản xuất châu Á được hưởng lợi, như Great Wall Motor của Trung Quốc; Chery Automobile; và SsangYong Motor của Hàn Quốc, tương tự như việc các nước Mỹ Latin được lợi từ lệnh cấm nông sản của Nga trước đó.

Thùy Linh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.