Xã hội

Ngại ngần gì mà không cho tố cáo qua tin nhắn, e-mail?

14/11/2017, 09:05

Luật Tố cáo hiện hành đang quy định hai hình thức tiếp nhận tố cáo là bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

14

Tổng TTCP Lê Minh Khái cho biết, ngay khi vừa nhận nhiệm vụ ông đã nhận được rất nhiều tin nhắn tố cáo qua điện thoại

Luật Tố cáo hiện hành đang quy định hai hình thức tiếp nhận tố cáo là bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Dự thảo luật sửa đổi đang được trình Quốc hội cũng giữ nguyên như vậy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, tin nhắn điện thoại...

Lo ”vượt tầm kiểm soát”

Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị không nên chỉ giới hạn ở hai hình thức tố cáo như luật hiện hành để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, của công nghệ như hiện nay. Tuy nhiên, dù tố cáo dưới hình thức nào cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận.

Bảo lưu quan điểm không mở rộng hình thức tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng các hình thức tố cáo khác cần được khuyến khích, nhưng với tình trạng nguồn nhân lực, quy định tiếp nhận, xử lý các hình thức tố cáo hiện nay thì không đáp ứng được. “Khi tiếp nhận, phải đi xác minh ban đầu. Mà tố cáo qua điện thoại đâu có chữ ký, phải đi xác minh họ tên, địa chỉ, hành vi, lập hồ sơ… mới tiến hành thụ lý được. Tôi lo, nếu thụ lý giải quyết với các hình thức này sẽ rất khó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Tôi vừa nhận nhiệm vụ đã nhận được tin nhắn tố cáo liên tục”, ông Khái thông tin.

Không giải quyết tố cáo nặc danh

Trong Dự luật Tố cáo (sửa đổi) lần này, Chính phủ thống nhất không giải quyết tố cáo nặc danh, không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo, cũng như hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ; lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có trường hợp do sợ bị trả thù, trù dập nên người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ nhưng trong đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, cụ thể, gửi kèm nhiều bằng chứng... Để không bị bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, Chính phủ cho rằng, cần có quy định hợp lý về cơ chế và trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin được phản ánh qua tố cáo nặc danh phục vụ yêu cầu quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra.

ĐB Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đồng tình và cho rằng, nên giữ hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, còn các hình thức khác chỉ tiếp nhận thông tin vì có thể có nội dung nhưng phải vất vả xác minh theo trình tự giải quyết.

ĐB Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng nhất trí quan điểm này, vì theo ông nếu mở rộng rất khó xử lý, như tố cáo qua tin nhắn điện thoại có thể tìm được người sử dụng số điện thoại, nhưng lại phải dùng đến các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt và có khi lần ra tới nơi thì người đó lại dùng một số thuê bao khác rồi. Ông Vinh cũng chia sẻ, ngày càng nhận được nhiều thông tin khiếu nại, tố cáo kiểu này: “Thực tế, ngồi đây họp nhưng cứ ra khỏi hội trường là tin nhắn đến ào ào, tôi lại phải giao anh em xem xét mà có những việc đã giải quyết xong lâu rồi vẫn không thể nào dứt được. Đã đưa vào luật thì phải quản lý được chứ không phải để làm rối loạn thêm tình hình”.

ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) chia sẻ, với kinh nghiệm 15 năm làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ông cho rằng, nếu giờ mở rộng hình thức tố cáo sẽ vượt tầm kiểm soát. Với hai hình thức hiện tại, theo ông Mão “có làm trực tiếp mới biết rất gian nan”, nếu mở rộng thì lực lượng con người và cơ sở vật chất chưa đảm bảo, e sẽ quá tải, khó kiểm soát.

Không có gì khó trong quản lý

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đưa ra quan điểm khác. Theo ông, ngoài hình thức tố cáo bằng đơn, trực tiếp được quy định trong dự thảo, cần xem xét đối với trường hợp tố cáo qua thư điện tử, fax, có ngày tháng năm sinh, địa chỉ và nội dung tố cáo rõ ràng. “Cần nghiên cứu, vì tới đây chúng ta thực hiện mô hình Chính phủ điện tử. Tôi chỉ băn khoăn những người tố cáo qua thư điện tử gần như công khai, vậy bảo vệ người tố cáo thế nào?”, tướng Vương nêu vấn đề.

ĐB Hứa Văn Nghĩa (Trà Vinh) phân tích, nếu chỉ quy định hai hình thức tố cáo là không đồng bộ, nếu làm tốt quản lý tố cáo từ T.Ư đến địa phương, tích hợp thì nên mở rộng các hình thức tố cáo khác để thực hiện quyền công dân. “Không có gì khó trong quản lý, mà nên nghiên cứu vì xu hướng phát triển công nghệ thông tin ta không thể cản được”, ông Nghĩa nói.

ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) cũng đồng tình cần phải mở rộng hình thức tố cáo để người dân thực hiện quyền công dân. Nếu chỉ bó hẹp trong hai hình thức thì chưa đảm bảo quyền của công dân. Theo ĐB Quý, việc tố cáo có hai nhiệm vụ chính là xác định được người tố cáo và nội dung tố cáo. Các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, điện thoại, cơ quan chức năng vẫn xác định được người tố cáo và nội dung. “Ví dụ, công dân tố cáo một việc gì đó họ gửi thư điện tử kèm theo các tài liệu chứng cứ, số điện thoại. Cơ quan nhận được thư điện tử có thể gọi điện thoại lại hỏi xem có phải công dân đó có đơn tố cáo. Nếu họ xác nhận và nói vì lý do này, lý do kia không thể tố cáo trực tiếp thì cơ quan chức năng có thể có lịch hẹn với người đó để xác định lại con người và nội dung. Còn trường hợp không liên lạc được với người tố cáo thì nghĩa là tố cáo nặc danh, mạo danh”, ĐB Quý nói.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 cũng cho rằng, dù tố cáo bằng đơn hay thư điện tử, điện thoại đều phải có một quy chuẩn nhất định. Nếu tố cáo không đúng, không có tên tuổi, địa chỉ cụ thể thì không giải quyết. Vì thế, không nên ngần ngại trong việc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.