Xã hội

Ngăn bổ nhiệm “thần tốc” có làm khó người tài?

28/02/2020, 10:43

Quy định mới là rất cần thiết vì thời gian qua, có những trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, với những động cơ mục đích không trong sáng...

img
Ông Lê Quang Thưởng

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước với tiêu chí cụ thể về kinh nghiệm công tác để tránh việc bổ nhiệm “thần tốc”. Liệu quy định này có mâu thuẫn với chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài mà nhiều nơi đang thực hiện? Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư xung quanh vấn đề này.

Thời gian qua, việc bổ nhiệm “thần tốc”, nâng đỡ vì mục đích không trong sáng diễn ra ở không ít nơi khiến dư luận bức xúc. Việc Bộ Nội vụ đề xuất quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm này, thưa ông?

Thời gian qua, có những trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, với những động cơ mục đích không trong sáng khiến dư luận rất bức xúc. Vì thế, quy định này là rất cần thiết.

Với những tiêu chuẩn rất cụ thể, nếu thực hiện tốt, chắc chắn sẽ không còn những trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” khiến dư luận bức xúc như vừa rồi.

Để tránh việc bổ nhiệm “thần tốc” và bảo đảm nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức trong 3 năm gần nhất khi xem xét bổ nhiệm, Bộ Nội vụ đề xuất thời gian đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp phải từ 3 năm trở lên. Theo ông, vì sao cần thiết phải quy định về kinh nghiệm công tác?

Quy định số 214 và Quy định số 89 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chung đối với chức danh thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp đều có yêu cầu cán bộ, công chức phải đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp. Tuy nhiên, Bộ Chính trị chưa quy định cụ thể thời gian đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp là bao nhiêu.

Do vậy, việc thể chế hóa quy định của Bộ Chính trị tại dự thảo Nghị định này để bảo đảm thống nhất quy định về tiêu chuẩn các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước, tránh việc bổ nhiệm “thần tốc” là rất cần thiết.

Trong tiêu chuẩn cán bộ có nhiều điểm, trong đó điều kiện về kiến thức và kinh nghiệm rất quan trọng. Bởi nếu không có kiến thức và kinh nghiệm thì anh không thể hoàn thành tốt công việc mà tổ chức giao phó. Quy định về thời gian kinh nghiệm trước khi bổ nhiệm chính là để đáp ứng yêu cầu này.

Nhưng thưa ông, liệu quy định về kinh nghiệm công tác có mâu thuẫn với chính sách thu hút và trọng dụng người tài, cụ thể là nhiều nơi đã tổ chức thi tuyển cả đến cấp tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, giám đốc sở? Cơ hội nào cho người trẻ, người tài nếu như họ có trình độ, năng lực nhưng lại thiếu kinh nghiệm công tác?

Tôi cho rằng, quy định nhằm tránh bổ nhiệm “thần tốc” và sẽ không mâu thuẫn với việc thu hút người tài, người trẻ. Bởi những người tài năng thì sẽ được tổ chức chú ý, phát hiện sớm. Cơ quan, tổ chức nơi đó sẽ sớm có chính sách bồi dưỡng, đào tạo đối với những cá nhân thực sự có trình độ và năng lực. Và theo tôi, những người trẻ, có tài năng thực sự và được xã hội, cơ quan công quyền ghi nhận thì cần thiết phải được đề bạt nhanh để họ phát huy năng lực của mình.

Thực tế cũng đã ghi nhận, trong trường hợp cá nhân xuất sắc thì vẫn có thể bổ nhiệm vượt cấp. Chẳng hạn như trường hợp của cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh trước đây, khi công tác trong quân đội, do có có thành tích xuất sắc nên ông đã được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên thẳng Trung tướng. Rất nhiều trường hợp khác nữa trong thực tế cũng như vậy.

Vì thế, dù có quy định cứng về thời gian công tác trước khi bổ nhiệm, thì cũng sẽ có những ưu tiên về những trường hợp đặc biệt, xuất sắc để thu hút người tài, người trẻ.

img
Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ, tháng 5/2018. Ảnh: Thu Hằng

Ngoài quy định trên, dự thảo Nghị định cũng quy định “lãnh đạo cấp phòng (cấp huyện) phải có thời gian làm chuyên môn tối thiểu là 3 năm. Thực tế nhiều địa phương, bộ ngành trước đây và hiện nay đã thực hiện quy định này, theo ông thì tại sao lần này Bộ Nội vụ vẫn đề xuất đưa vào dự thảo?

Việc quy định bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cơ quan hành chính Nhà nước phải có tối thiểu 3 năm đảm nhiệm và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý cấp dưới trực tiếp không phải là quy định mới. Lâu nay các bộ, ngành, địa phương vẫn có quy định làm như vậy để phù hợp với yêu cầu công tác. Bây giờ Bộ Nội vụ đề xuất đưa thành Nghị định, thì chỉ là làm chi tiết, cụ thể hơn về thâm niên công tác.

Về tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, Bộ Nội vụ đề xuất không quy định cụ thể yêu cầu mà sẽ thực hiện theo quy định của từng bộ, ngành, địa phương. Ông đánh giá về đề xuất này thế nào?

Ngoại ngữ là một trong những điều kiện để làm việc. Lâu nay chúng ta đã quy định người đi xin việc tại các cơ quan Nhà nước ít nhất phải biết một ngoại ngữ và có yêu cầu khung cụ thể phải đạt ở trình độ nào.

Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 7 khóa XII có xác định mục tiêu đến năm 2030, đối với cán bộ cấp chiến lược từ 40- 50%; cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở T.Ư từ 50-60%; cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương từ 25-35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Tuy nhiên, Quy định số 214 và Quy định số 89 của Bộ Chính trị chỉ yêu cầu trình độ tin học và ngoại ngữ cần thiết và phù hợp. Do vậy, việc Bộ Nội vụ đề xuất không quy định cụ thể yêu cầu về trình độ ngoại ngữ mà sẽ thực hiện theo quy định của từng bộ, ngành, địa phương là một quy định linh hoạt, phù hợp thực tiễn công tác cán bộ hiện nay.

Cảm ơn ông!

Đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định này là công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước ở bộ, cơ quan ngang bộ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bao gồm 11 nhóm chức vụ từ thứ trưởng đến trưởng, phó phòng thuộc huyện. Mỗi chức danh được thiết kế gồm 4 nhóm tiêu chuẩn về vị trí chức trách, năng lực, kinh nghiệm công tác, trình độ.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dự thảo quy định phải tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác.

Về trình độ lý luận chính trị, đối với lãnh đạo cấp vụ thuộc bộ, cấp sở và vụ trưởng thuộc tổng cục, yêu cầu trình độ cao cấp; đối với lãnh đạo cấp vụ phó thuộc tổng cục, trưởng phòng, yêu cầu trình độ trung cấp.

Còn đối với lãnh đạo cấp phó phòng, dự thảo không quy định bắt buộc phải có trình độ lý luận chính trị để phù hợp với thực tế vì có nhiều trường hợp công chức được bổ nhiệm cấp phòng chưa phải là đảng viên hoặc theo Kết luận 202 về thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp phòng cho phép trường hợp chưa phải là đảng viên được dự thi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.