Xem - ăn - chơi

Ngăn chặn biến tướng trá hình trong quán bar, vũ trường

04/02/2015, 09:00

Quán bar không do Bộ VH,TT&DL quản lý mà do Bộ Kế hoạch & ĐT quản lý, nhưng vẫn có ca hát, nhảy múa.

151
Ca sỹ Hương Tràm từng bị phạt vì mặc phản cảm diễn trong quán bar

Quán bar không do Bộ VH,TT&DL quản lý, nhưng vẫn có hoạt động ca hát nhảy múa. Vì thế, tới đây sẽ có thông tư hướng dẫn các hoạt động, dịch vụ văn hóa tại nhà hàng, quán bar để ngăn chặn tình trạng biến tướng của loại hình kinh doanh này.

Bất cập quản lý quán bar, vũ trường

Tại Hội nghị đánh giá việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý Nhà nước về karaoke, vũ trường vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Vương Duy Bảo cho biết: Tính đến tháng 9/2014, các địa phương đã tổ chức kiểm tra 5.209 lượt trong đó, phát hiện 4.624 cơ sở vi phạm, cụ thể đã cảnh cáo 1.999 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 2.385 tổ chức và cá nhân, thu hồi giấy phép 78 cơ sở karaoke, phát hiện hoạt động không có giấy phép 160 trường hợp. Tổng số tiền xử phạt là 6.261 triệu đồng.

Theo ông Bảo, việc quản lý karaoke, vũ trường vẫn còn nhiều bất cập do vướng mắc từ công tác quản lý Nhà nước. Đơn cử, tại NĐ 158 việc quy định xử phạt không đầy đủ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong khi làm nhiệm vụ.

Ông bầu Quang Cường, quản lý của ca sĩ Quang Hà cho biết:  Nhà nước quản lý là đúng, vi phạm thì phạt nặng về kinh tế, nhưng đừng gò ép quá không hay. Nếu hở hang phản cảm thì cấm,  nhưng mặc gợi cảm là đẹp thì nên khuyến khích. Ngoài ra, tôi cũng mong rằng các nhà quản lý hãy quản lý chặt việc ca sĩ hát lipsync hay hát live trong quán bar, phòng trà Nếu phát hiện ca sĩ nào hát lipsync thì phải cấm để tạo sự công bằng cho các ca sĩ khác.

Việc thực hiện quy hoạch karaoke, vũ trường giai đoạn 2006 - 2010 hết hiệu lực. Một số tỉnh thành chưa kịp điều chỉnh, bổ sung để xây dựng quy hoạch này cho các giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, việc cấp giấy phép cho các cơ sở mới đăng ký còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Nhiều tổ chức, cá nhân trốn tránh các nghĩa vụ tài chính, tình trạng biến tướng trong các loại hình kinh doanh quán bar nhưng thực tế chuyển sang vũ trường, buôn bán sử dụng, vũ khí, ma túy, rượu lậu, gái mại dâm... ngày càng phức tạp, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, nổi lên tình trạng biến tướng trong hình thức kinh doanh hay tình trạng không đảm bảo an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy... Hệ lụy của nó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, tính mạng và tài sản của người dân.

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cùng chung quan điểm hoạt động karaoke, vũ trường là hoạt động nhạy cảm, dễ phát sinh những vấn đề tiêu cực. Vì thế, việc chỉ cấp giấy phép một lần không có cấp đổi, không quy định thời hạn gia hạn, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý, cấp phép, thu phí, kiểm tra hoạt động kinh doanh này.

Tại Thông tư 156 quy định mức thu, chế độ thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp phép kinh doanh, trong đó chỉ nêu chung lệ phí cấp giấy phép, mà không nêu lệ phí cấp giấy phép tăng thêm phòng hát karaoke, gây khó khăn cho việc quản lý cấp phép.

Ngoài ra, các cơ sở vi phạm bị tước giấy phép kinh doanh vẫn đăng kí cấp lại trên cơ sở đứng tên chủ thể mới, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

Sẽ quy định thời hạn cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường

Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH, TT&DL) chỉ ra những bất cập, vướng mắc khi kiểm tra hoạt động của các quán bar tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Theo đó, tại các quán bar, nhà hàng, quán cà phê các hoạt động dịch vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật ngày càng diễn ra phức tạp. Đặc biệt những chương trình mang tính tự phát như: Hát cho nhau nghe, khiêu vũ tại chỗ mà thực chất là hoạt động vũ trường trá hình ngày càng có chiều hướng gia tăng.

“Quán bar không do Bộ VH,TT&DL quản lý mà do Bộ Kế hoạch & Đầu tư quản lý, nhưng vẫn có hoạt động ca hát, nhảy múa. Quán bar không do Bộ VH,TT&DL quản lý, nhưng vẫn có hoạt động ca hát nhảy múa. Bởi vậy, tới đây sẽ có thông tư hướng dẫn các hoạt động, dịch vụ văn hóa tại nhà hàng, quán bar. Như vậy, sẽ ngăn chặn được tình trạng biến tướng”, ông Thái nói và cho biết, sắp tới sẽ quy định thời hạn cho giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường.

Về thời hạn cấp phép cho kinh doanh karaoke, vũ trường, bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH,TT&DL Hà Nội đề xuất thời hạn cấp phép là hai năm/ lần.

Vấn đề về khoảng cách giữa cơ sở kinh doanh karaoke và vũ trường với trường học, di tích, địa chỉ tôn giáo cũng được nhiều đại biểu nêu ra. Đại biểu Hải Phòng cho rằng, quy định quán karaoke và vũ trường phải cách xa các cơ sở nói trên 200m theo đường giao thông như hiện nay là không còn phù hợp với tốc độ đô thị hóa. Vì có những quán karaoke có thể cách trường học vài trăm mét nếu tính theo đường giao thông, nhưng tính về khoảng cách không gian lại nằm ngay sau lưng trường học hoặc cơ sở tôn giáo, khiến cơ quan cấp phép rất lúng túng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.