Xử lý nghiêm các vi phạm trong xây dựng pháp luật
Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chứcnHội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, diễn ra tại phòng họp Diên Hồng (nhà Quốc hội), kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu địa phương.
Báo cáo tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể.
Các bộ, cơ quan ngang bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật. Có 8 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác này.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Đến nay, vẫn còn 11 văn bản nợ ban hành để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ.
Về nguyên nhân, ngoài số lượng văn bản pháp luật phải xây dựng lớn, ôn Khái nêu rõ, một số trường hợp, cơ quan chủ trì chưa thực sự chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng.
Đáng chú ý, theo Phó thủ tướng, có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi.
Bên cạnh đó, tính chủ động đề xuất, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, xử lý các bất cập chưa kịp thời, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong xây dựng pháp luật.
Nêu giải pháp, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định "chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao" của Luật Tổ chức Chính phủ.
"Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn.
Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật", Phó thủ tướng báo cáo.
Không để làm phát sinh thủ tục, giấy phép con
Đánh giá tình hình triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khái quát, các cơ quan từ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bộ, ngành địa phương đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá, công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết của Chính phủ còn chậm. Một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, ông Định nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề cập tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục khi tới 23/8, vẫn còn 11/50 văn bản còn nợ, chiếm tới 22%.
"Trong đó, một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực. Trong 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành, chỉ có 9 văn bản (23%) được ban hành đúng thời hạn", ông Định nói.
Cá biệt, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số trường hợp ban hành văn bản chậm làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của giải pháp đã được Quốc hội quyết định.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nguyên nhân trước hết là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.
Theo báo cáo của Chính phủ, dù Thủ tướng đã yêu cầu, nhưng tới nay, chỉ mới có 8/28 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp, ông Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cạnh đó, tăng cường cải cách hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn luật, không để làm phát sinh thủ tục, giấy phép con, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong thi hành pháp luật", ông Định báo cáo.
Hội nghị diễn ra trong cả ngày 6/9. Sau hai báo cáo nói trên là tham luận của một số bộ, ngành, địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận