Xã hội

Ngăn chặn tham nhũng trong công tác cán bộ

26/05/2017, 09:46

ĐBQH chỉ ra thực trạng nhiều người đang bằng nhiều con đường khác nhau để đề bạt, cất nhắc.

9

ĐB Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sáchphát biểu tại phiên thảo luận ở tổ

Chiều 25/5, các ĐBQH làm việc tổ, thảo luận 2 nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017 và Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Phân cấp rõ ai sai người đó chịu trách nhiệm

Đề cập về chất lượng cán bộ, ĐB Lê Thanh Vân, thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra thực trạng nhiều người đang bằng nhiều con đường khác nhau để đề bạt, cất nhắc dẫn đến hiện tượng cả họ làm quan, bổ nhiệm thân hữu. “Dân gian hay nói: Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ. Tức đầu tiên là con cháu họ hàng, sau có tiền, sau nữa là “alo quan hệ” gửi gắm trao đổi. Vậy trí tuệ nằm ở đâu? Dư luận gần đây nêu câu chuyện ở Đồng Tháp, giám đốc bệnh viện bổ nhiệm con trai bị bệnh động kinh, tôi không thể hiểu nổi”, ĐB dẫn chứng và cho rằng, phải làm sao ngăn chặn được tham nhũng trong công tác cán bộ. “Tôi rất tiếc trong Bộ luật Hình sự vừa qua thiếu hẳn chế tài trong công tác cán bộ, từ việc giới thiệu đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm, nếu sai phạm, làm trái phải trừng trị bằng luật hình, để những ai thấy chỉ giới đỏ mà sợ không dám làm liều”, ông Vân góp ý.

Trao đổi lại với ĐB Vân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận có những việc rất nhỏ nhưng chúng ta làm quy trình thủ tục quá rườm rà, phức tạp. Vì vậy, ông đề nghị một công việc không quá 2 cấp chịu trách nhiệm, tức là 1 cấp thực hiện, 1 cấp kiểm tra giám sát. Nói về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Tân cho biết, cứ 6 tháng địa phương tổng hợp báo cáo lên bộ để bộ thẩm tra, sau khi có thẩm định Bộ Tài chính căn cứ vào đó cấp kinh phí. “Nhiều lần tôi nói với các địa phương là tôi xin ý kiến giao cho địa phương làm luôn, bộ chỉ làm hậu kiểm nhưng chúng ta làm quá nhiều cấp thẩm tra, thẩm định như thế kéo dài thời gian, rất rườm rà. Nhiệm vụ của Chính phủ, bộ ngành chỉ xây dựng thể chế, xây dựng chiến lược quy hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát. Còn Chính phủ, bộ ngành mà lại xuống địa phương xem thừa bao nhiêu cấp phó thì không phù hợp”, ông Tân nói và cho rằng, cần phân cấp để ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm, chứ không phải “khi làm sai lôi hết cơ quan này, cơ quan kia ra chịu trách nhiệm”. Cùng với đó, trách nhiệm người đứng đầu, làm sai thì phải chịu trách nhiệm chứ không đổ thừa ai.

Nói về kỷ cương, kỷ luật hành chính, Bộ trưởng Tân cho biết hiện thể chế thiếu chế tài xử lý vi phạm. “Ví dụ Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế không có chế tài gì, ai làm tốt cũng được mà không làm cũng được”, ông dẫn chứng và đề nghị phải có 1 điều khoản về xử lý những người không thực hiện. Ông cũng cho rằng, nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức thì không tinh giản được.

Cần xây dựng quy chế đối thoại giữa dân và chính quyền

Đề cập đến những khiếu kiện về đất đai nóng bỏng thời gian qua, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) dẫn chứng vụ Đồng Tâm và cho biết, ông đã trao đổi với Thủ tướng, đề nghị công bố toàn bộ nội dung buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và nhân dân Đồng Tâm để ĐBQH có cái nhìn đa chiều, toàn diện về vụ này và cũng để ĐBQH có thể giám sát.

Cho rằng mấu chốt vấn đề vụ Đồng Tâm liên quan đến đất quốc phòng, ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh đã đến lúc cần phải làm rõ, minh bạch khái niệm thế nào là đất quốc phòng. Ông Quốc kiến nghị, nếu đã là đất quốc phòng thì đề nghị Nhà nước tổ chức trồng cây để đánh dấu. Mọi người đều nhận ra đó là đất quốc phòng, không ai xâm phạm vào, thậm chí họ còn bảo vệ và phát hiện sai phạm. “Vấn đề đất đai ngày càng quan trọng vì đó là tư liệu sản xuất, là nguồn lực xã hội, đồng thời là tài sản của người dân. Vì thế, qua thực tiễn, nếu nảy sinh vấn đề gì cần phải điều chỉnh và giải quyết ngay để phát huy tốt nhất nguồn lực đất đai, vừa bảo vệ quyền lợi cá nhân vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước”, ông Quốc lưu ý.

Trước những bất cập trong Luật Đất đai, ĐB Lê Thanh Vân giữ nguyên quan điểm khi ông từng nói về vụ Đồng Tâm, đó là nguyên nhân xuất phát từ chính sách đất đai chậm sửa đổi và việc đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ không được tiến hành thường xuyên, “sợ dân” không dám đối thoại khiến khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Ngoài việc cần phân loại đất quốc phòng, đất công cộng để từ đó có chế độ pháp lý riêng, ông Vân cũng cho rằng, Chính phủ cần ban hành quy chế mẫu về việc đối thoại giữa chính quyền và người dân. Theo đó, người đứng đầu phải định kỳ đối thoại với dân, giải quyết các vướng mắc trong chính sách điều hành. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.