Thế giới giao thông

Ngăn độc quyền khi Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á

29/03/2018, 13:00

Sau thông báo chính thức sáp nhập Uber vào Grab tại Đông Nam Á cách đây vài ngày, giới chức nhiều nước...

30

Các tài xế Uber, Grab lo lắng có thể bị cắt giảm trợ cấp hoặc tăng mức hoa hồng nộp về công ty

Hành khách, lái xe lo tăng giá, giảm thu nhập

Grab cho biết, việc mua lại Uber sẽ củng cố con đường của họ để đạt được lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh gọi xe qua điện thoại, trở thành nền tảng có hiệu quả chi phí tốt nhất tại Đông Nam Á. Grab nhận định, hành khách có thể tin tưởng rằng, dịch vụ sẽ tốt hơn khi có nhiều tài xế, lựa chọn giao thông có sẵn trên một ứng dụng hơn và giá sẽ không đổi. Đối với tài xế, công ty này nói, cấu trúc phân chia lợi ích và trợ cấp sẽ vẫn như cũ.

Dù vậy, cánh tài xế, hành khách không tránh khỏi lo ngại, giá vé sẽ tăng cao khi cạnh tranh không còn nóng. Cô Rennu Mahajan (57 tuổi) là tài xế cho cả Grab, Uber tại Singapore trong hơn 3,5 năm qua cho biết, nhiều người bạn tài xế của cô cũng có chung nỗi lo này vì bây giờ họ không thể thay đổi giữa các ứng dụng. “Tôi chắc chắn rằng giá vé sẽ tăng cao”, cô Mahajan nói nhưng vẫn hy vọng “giá vé có thể tăng và biết đâu thu nhập của chúng tôi sẽ cao hơn một chút”.

Tại Thái Lan, mặc dù dịch vụ gọi xe sử dụng xe do cá nhân sở hữu là bất hợp pháp nhưng nhiều tài xế vẫn làm việc với cả Uber và Grab. Nhiều tài xế và người dùng vẫn thích dịch vụ Grab kể cả có tăng giá đôi chút.

“Grab cung cấp đủ các loại khuyến mại cho nhu cầu đi lại. Kể cả khi họ không làm vậy nữa, tôi cũng không ngại sử dụng dịch vụ của họ. Tôi thích sự tiện lợi, nhanh nhạy và dễ dàng”, cô Choltanutkun Tun-atiruj, một phóng viên tạp chí cho biết.

Đối với Ricky Tan, người đã lái xe cho Uber tại Singapore trong hơn 1 năm nay và Andre Pereira, người sử dụng cả hai dịch vụ một lúc cho rằng, khả năng Grab tăng giá có thể sẽ khiến khách hàng quay sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Cơ quan quản lý không thể đứng ngoài cuộc

Trước các lo ngại trên, tại Singapore, người phát ngôn Cơ quan Giao thông đường bộ của nước này cho biết, Chính phủ sẽ xem xét việc sáp nhập này có ảnh hưởng gì đến vấn đề cạnh tranh tại nước này hay không. “Chúng tôi sẽ đảm bảo không có chuyện thị trường chỉ có một công ty độc chiếm, gây tổn hại tới các tài xế và người sử dụng ứng dụng”, người phát ngôn cho biết.

Tương tự, Bộ Giao thông Malaysia cũng ra thông báo cho biết, họ sẽ phối hợp chặt chẽ với các khách hàng liên quan và nhiều cơ quan quản lý như Ủy ban Cạnh tranh Malaysia đến cơ quan bảo vệ người tiêu dụng để xóa bỏ ngay những điều khoản bất công bằng.

Theo Công ty Phân tích dữ liệu di động App Annie, Grab đang xếp thứ 5 trong số các ứng dụng hàng đầu dựa trên số người sử dụng tích cực hàng tháng tại Singapore năm 2017, trong khi đó Uber đang xếp ở vị trí thứ 7. Tại Indonesia, ứng dụng nội địa Go-Jek xếp vị trí thứ 9, ngay bên trên Grab.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.