Thị trường

Ngân hàng chưa gỡ được "điểm nghẽn" tín dụng

25/04/2014, 06:46

Tổng tài sản tăng cả về lượng và chất; thanh khoản dồi dào, song hệ thống ngân hàng vẫn chưa tháo gỡ được "điểm nghẽn" tín dụng và thiếu đột phá trong xử lý nợ xấu.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự đoán nợ xấu ngân hàng còn khoảng 9%
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự đoán nợ xấu ngân hàng còn khoảng 9%

Tài sản tăng, nhưng vẫn khó cho vay


Tại cuộc họp công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2013, dự báo 2014 tổ chức ngày 24/4, ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, tổng tài sản hệ thống ngân hàng năm 2013 tăng 15% so với năm 2012 và cơ cấu tài sản đã chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, tỷ trọng tài sản thị trường liên ngân hàng giảm từ mức 23% của 3 năm trước xuống mức 17% hiện hành. “Nếu các năm trước, trong 100 đồng tài sản chỉ có 77 đồng huy động từ dân, doanh nghiệp, còn 23 đồng là số tiền các tổ chức tín dụng gửi cho nhau, vay trên liên ngân hàng. Nhưng đến năm 2013, mức này đã giảm xuống còn 17 đồng, tức số tiền gửi huy động từ doanh nghiệp, dân cư tăng lên 83 đồng”, ông Phước lấy ví dụ.
 

Về làn sóng sáp nhập ngân hàng đang diễn ra, ông Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận nghiêng về phạm trù quản trị doanh nghiệp và đây là tín hiệu tốt cho thị trường ngân hàng. Bởi các ngân hàng sau sát nhập sẽ có tổng vốn tăng, quỹ trích lập rủi ro dự phòng tăng, gia tăng sức mạnh thị phần, số lượng khách hàng... 

Một tín hiệu tốt trên thị trường ngân hàng nữa, theo NFSC, đường cong lãi suất tiền gửi đã vận hành đúng nguyên lý kinh tế, tức lãi suất tiền gửi dài hạn đã cao hơn lãi suất ngắn hạn (trong khi năm 2010 - 2012, lãi suất tiền gửi dài hạn luôn thấp hơn lãi suất ngắn hạn). Tính thanh khoản của các ngân hàng đã tăng khi vốn huy động tăng tới 23,6% và lãi suất huy động bình quân giảm 2%. Lãi suất cho vay cũng giảm từ “đỉnh cao” 20% của năm 2011 xuống mức 12%. Nhờ những chính sách tài chính siết chặt, tình trạng đô la hóa đã giảm mạnh và sức mạnh đồng nội tệ tăng lên. Hiện tín dụng VNĐ chiếm 85%, còn tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm 15% (giảm 4% so với năm 2012). 

Ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch NFSC phân tích về thực trạng dòng chảy tín dụng trên cơ sở ba yếu tố có thể gây nghẽn, đó là: Cung (nội lực của tổ chức tín dụng), cầu (nhu cầu của doanh nghiệp) và các vấn đề kỹ thuật (rào cản pháp lý). Hiện các tổ chức tín dụng thanh khoản rất dồi dào, đủ và thừa nguồn tiền cho vay, tức nguồn cung tín dụng tốt, nhưng về kỹ thuật thì vẫn còn điểm nghẽn, có vấn đề cản trở doanh nghiệp tiếp cận vốn. Và nguyên nhân chính là cầu yếu, bởi hiện doanh nghiệp rất khó khăn khi mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đang chỉ hoạt động 50 – 60% công suất nên không có nhu cầu vay vốn. Do đó, để khơi thông dòng chảy tín dụng, trước mắt cần duy trì cầu ở mức hợp lý, còn bài toán lâu dài là phải nâng cao năng suất lao động, tăng cường quản trị, tạo sức bật chung cho cả nền kinh tế.


TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư băn khoăn, dòng tín dụng chảy nhiều vào doanh nghiệp Nhà nước, khiến khối doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vẫn rất khó khăn. Thừa nhận thực trạng nguồn vốn tín dụng những năm qua đổ vào các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước rất lớn, NFSC đã có nghiên cứu, khảo sát vấn đề này, song Chủ tịch Vũ Viết Ngoạn cho biết, chưa thể đưa ra con số cụ thể vì việc nghiên cứu chưa hoàn thành.

Lúng túng với xử lý nợ xấu


Theo đánh giá của NFSC, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn của toàn hệ thống ngân hàng bắt đầu giảm. Nợ xấu theo thông lệ quốc tế được kiểm soát và giảm xuống, dao động ở mức 9 – 10%, tương đương mức mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra quan ngại về vấn đề nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam.


Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy cho rằng, nói nợ xấu trong tầm kiểm soát thì chưa phải. Tuy nợ xấu không đến mức không thể xử lý nổi, nhưng nếu chỉ Ngân hàng Nhà nước thực hiện như hiện nay thì rất khó. Đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo năm nay phải có hai đột phá: Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và xử lý nợ xấu. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đã đưa ra nhiều phương án cụ thể, nhưng nợ xấu thì vẫn cần và đang chờ đợi những chỉ đạo, hướng đi đột phá hơn nữa để xử lý hiệu quả.


TS. Lê Đăng Doanh cũng thắc mắc, Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã công mua lại 106.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng đến nay số nợ xấu đã mua về đi đâu, giải quyết thế nào, hay chỉ là sự dịch chuyển tạm thời?


Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định, VAMC đã cất bớt “ba lô” gánh nặng nợ xấu cho nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, còn việc xử lý nợ xấu không thể có hiệu quả ngay trong vài tháng hay một năm, mà cần quãng thời gian dài hơn thế.

Đinh Trường Thọ

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.