Tài chính

Ngân hàng đua nước rút đạt chuẩn Basel II

15/07/2020, 06:32

Thị trường được dự báo sẽ có những thương vụ tỷ USD khi các ngân hàng tăng tốc để đạt chuẩn Basel II trong thời gian tới.

img
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đáp ứng chuẩn mực Basel II tại Việt Nam (tháng 11/2008)

Tăng vốn, minh bạch dòng tiền... là các tiêu chí quan trọng của Hiệp ước Basel II đối với các ngân hàng. Tuy nhiên đến nay chỉ mới có 20/35 ngân hàng về đích. Các chuyên gia dự báo, với cuộc đua tăng tốc sắp tới, thị trường sẽ có những thương vụ tỷ USD.

Không đạt chuẩn buộc phải mua bán, sáp nhập?

Hiệp ước Basel được coi là bộ nguyên tắc chung và các luật ngân hàng. Ba trụ cột của Basel II gồm: Trụ cột 1 tập trung vào việc đo lường và đảm bảo mức độ an toàn vốn tối thiểu; trụ cột 2 là quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP); trụ cột 3 tập trung vào việc minh bạch và công bố thông tin.

Vì thế việc triển khai Basel II được coi là giải pháp tái cơ cấu căn bản có tính đột phá, tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại và đã chọn 10 ngân hàng thương mại thí điểm.

Đến năm 2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 41/2016 yêu cầu từ ngày 1/1/2020, các ngân hàng sẽ phải áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II và tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng phải áp dụng Basel II tiêu chuẩn. Tính đến nay có 20/35 ngân hàng đạt chuẩn Basel II theo yêu cầu, trong đó có các ngân hàng như: Vietcombank, VIB, ACB, Vietbank, VPbank, OCB, VietCapital Bank, Techcombank, BIDV... Nhiều ngân hàng lớn sau khi đạt chuẩn Basel II cho biết, sẽ tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn như Basel III.

Như vậy còn 15 ngân hàng nữa buộc phải gấp rút để đạt chuẩn Basel II trong thời gian tới, trong đó có 2 “ông lớn” là Agribank, Vietinbank. Theo tìm hiểu, VietinBank, Agribank cơ bản đã đáp ứng toàn diện các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II, song gặp khó trong việc tăng vốn tự có do các quy định về phần vốn của nhà nước.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, đại diện VietinBank khẳng định: “Trên cơ sở triển khai tới nay, Vietinbank đã đáp ứng toàn diện các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, điều kiện “đủ” để một ngân hàng thương mại có thể đáp ứng được Basel II là mức vốn tự có phù hợp với quy mô tăng trưởng tổng tài sản. Trong đó, có tăng trưởng tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế.

Trong khi đó, khác với các ngân hàng thương mại khác, Vietinbank không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do bị ràng buộc bởi các giới hạn như: Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước không thấp hơn 65%; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%”. Về vấn đề này, được biết Chính phủ cũng đã có chủ trương cho ngân hàng tăng vốn theo hướng được phép giữ lại lợi nhuận vài năm gần đây.

Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết, sẽ tăng tốc để về đích cuối cùng 2025.

Theo các chuyên gia, các ngân hàng sắp đạt các tiêu chuẩn cần tăng tốc để không bị bỏ lại cuộc chơi. Cụ thể, TS. Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trên thế giới đã đạt đến chuẩn mực Basel III, việc các ngân hàng thương mại Việt Nam đi theo lộ trình đạt chuẩn từ Base I đến Basel II là tất yếu. “Với những ngân hàng yếu kém, được kiểm soát đặc biệt, cần cho thời hạn bao nhiêu lâu để tái cơ cấu, nếu không được nữa thì phải mua bán, sáp nhập”, ông Thành nói.

Tương tự, TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, lộ trình đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng từ rất sớm. Với những ngân hàng yếu kém, không thể áp dụng các chuẩn mực thì cũng phải đi đến bước cuối cùng là mua bán, sáp nhập.

Sẽ hạn chế được hệ lụy do sở hữu chéo

Theo các chuyên gia, áp dụng Basel II tức là áp dụng theo chuẩn mực chung của thế giới về rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về Basel II cũng không hề đơn giản.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, ngoài xu thế tất yếu, cải thiện kết quả kinh doanh, Basel II còn giúp ngân hàng hạn chế tối đa rủi ro hoạt động, tồn tại trong khủng hoảng. Khi áp dụng quy chuẩn của Basel II, ngân hàng không chỉ đo lường được rủi ro đơn lẻ của một khoản vay, một giao dịch, một khoản đầu tư mà có thể đánh giá, đo lường được rủi ro của từng danh mục, của từng phân khúc hay tất cả các giao dịch.

Theo TS. Huỳnh Trung Minh, một trong 3 yêu cầu quan trọng của Basel II là hệ số sử dụng an toàn vốn; kế hoạch dự phòng những rủi ro mà ngân hàng phải đối diện và đặc biệt phải minh bạch thông tin… Như vậy, đồng nghĩa với việc muốn đạt chuẩn Basel II các ngân hàng không thể dựa vào bề nổi mà phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí khắt khe theo luật chơi thế giới.

“Các yêu cầu như phải đảm bảo tỉ lệ sử dụng an toàn vốn vay, công khai thông tin đồng nghĩa với việc phải công khai chi tiết dòng tiền. Việc này sẽ giảm thiểu tối đa được tình trạng sở hữu chéo, hay tình trạng tiền huy động vào chủ yếu phục vụ cho các công ty con, công ty sân sau của các ông chủ, lợi ích nhóm… Từ đó hạn chế những hệ lụy”, ông Minh phân tích.

Một chuyên gia kinh tế cũng cho biết, nếu ngân hàng đạt các tiêu chuẩn Basel đồng nghĩa với việc cho vay, huy động, dòng tiền, đầu tư… được kiểm soát chặt chẽ, sẽ tránh được những hệ lụy tương tự như vụ án Hứa Thị Phấn và các đồng phạm lũng đoạn, thao túng, rút ruột tiền của Ngân hàng Đại Tín (CB hiện nay).

“Một khi ngân hàng phải công bố minh bạch thông tin, đồng nghĩa với việc không thể có chuyện “có 10 đồng cho vay mà 8 đồng phục vụ cho bà chủ ngân hàng, chỉ 2 đồng đi vào kinh doanh thực tế”.

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng.

Hiệp ước Basel II được ban hành vào tháng 6/2004 nhằm xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính. Trong khi Basel III đang được phát triển, thì Basel II đang là chuẩn mực cao nhất và đã nhanh chóng được áp dụng tại nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Anh Quốc và Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.