Tài chính

Ngân hàng đua tung gói hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp vay có dễ?

17/09/2021, 14:24

Nhu cầu vay vốn để hoạt động trở lại bắt đầu tăng lên khi dịch bệnh được kiểm soát ở nhiều địa phương. Vay vốn lãi suất thấp có dễ?

Lãi suất thấp là bao nhiêu?

Trong chương trình cho vay ưu đãi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh khắc phục khó khăn do Covid, BIDV giảm sâu lãi suất tín dụng trong gói vay vốn trung dài hạn mới cho năm 2021 là “Đồng hành, Vươn xa” với quy mô 50.000 tỷ đồng.

img

Doanh nghiệp mong muốn được vay vốn lãi suất thấp để hoạt động trở lại. Ảnh minh hoạ

Đại diện ngân hàng cho biết, khi vay vốn, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất giảm sâu áp dụng linh hoạt trong các trường hợp cụ thể theo mục đích vay. Đơn cử, đối với khách hàng vay vốn mua nhà ở đăng ký qua ứng dụng BIDV Home thì lãi suất chỉ còn 6,2%/năm trong 6 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân đầu tiên. Đây được coi là lãi suất thấp nhất áp dụng với địa bàn Hà Nội và TP.HCM đối với lĩnh vực này.

Còn với khách hàng mới, cũng ở hai địa bàn trên, lãi suất cao hơn 0,2% là 6,4%/năm trong 6 tháng đầu. Với các nhóm khách hàng khác, lãi suất áp cho vay là từ 6,6%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc từ 7,2%/năm trong 12 tháng đầu tiên.

Lãi suất thấp hơn là tại VietinBank khi ngân hàng này triển khai thêm gói tín dụng mới lãi suất từ 4%/năm cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Riêng quy mô gói tín dụng này là 20.000 tỷ đồng. Theo ngân hàng, tổng quy mô tất cả gói hỗ trợ lãi suất của Vietinbank tới nay là 150.000 tỷ đồng.

Ngoài các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh cũng vào cuộc hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi dịch bệnh với mức giảm trung bình 0,5%-1%. Một số lĩnh vực ưu tiên, hay các doanh nghiệp tại các vùng dịch nặng như TP.HCM, Bình Dương được giảm lãi suất cao hơn với 2%-3%.

Một chính sách hỗ trợ đáng chú ý là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị còn được hỗ trợ bằng cách được cấp bù lãi suất thêm 2% so với lãi suất cho vay hiện hành.

Theo Ngân hàng Nhà nước, chính sách này được quy định trong nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, để được cấp bù lãi suất, doanh nghiệp trong nhóm này tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước bố trí. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin cung cấp liên quan tới phương án, dự án sản xuất - kinh doanh thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất và hoàn trả số tiền được hỗ trợ lãi suất khi vi phạm các quy định về hỗ trợ lãi suất và pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng.

Điều kiện vay vốn có dễ?

Lãi suất đã hạ xuống khá thấp tuy không thấp như mong muốn của doanh nghiệp là xuống càng thấp càng tốt, ít nhất giảm đến 3-4% nhưng so với trước đây đã giảm mạnh. Vậy điều kiện vay vốn có dễ không?

Số liệu từ Ngân hàng nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8 đạt 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương với mức 14,6% so với cùng kỳ.

Theo thống kê Công ty chứng khoán SSI, đã có 600.000 tỷ đồng tín dụng được giải ngân trong 6 tháng đầu năm và 88.000 tỷ đồng trong tháng 7, 8.

Giám đốc một phòng giao dịch ngân hàng Top 4 tại quận Thanh Xuân cho biết, điều kiện vay vốn hiện nay có thể chia thành hai nhóm, nhóm ngân hàng dồi dào vốn, kiểm soát nợ xấu tốt và nhóm ngân hàng vốn trung bình, nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh do tác động của dịch bệnh lên các khách hàng.

Ở nhóm thứ hai, vị này cho biết, điều kiện vay vốn sẽ không thay đổi, trừ nhóm khách hàng đang cơ cấu nợ theo thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục được vay vốn tái sản xuất. “Nhưng ngân hàng cũng sẽ xem xét chặt điều kiện về hiệu quả dự án, tình hình tài chính và khả năng trả nợ trong tương lai”, vị giám đốc phòng giao dịch dịch nói.

Nhưng với nhóm ngân hàng dồi dào vốn và kiểm soát tốt như ngân hàng của vị giám đốc phòng giao dịch này thì điều kiện vay vốn lại được nới lỏng hơn. Ví dụ, trước đây khi duyệt vốn, vị này xét rất chặt các tiêu chí vay vốn như có nợ xấu tại hệ thống hay không, tình hình tài chính thời điểm vay vốn ra sao, khả năng trả nợ…

“Nhưng nay, dịch bệnh tác động lên gần như tất cả doanh nghiệp, người dân nên ngân hàng không thể áp dụng tiêu chí xét duyệt như trước đây. Như chỗ chúng tôi, nay nhiều khách hàng có nợ xấu hay tình hình tài chính xấu do bị dịch bệnh thì vẫn phải cho vay chứ không thể từ chối như trước. Ngân hàng cũng phải tìm cách giải ngân vốn”, vị này nói.

Hay một số ngân hàng kèm thêm một số điều kiện khi giải ngân vốn cho khách hàng như tại Nam A Bank nếu muốn được giảm 0,5% lãi suất khi đang có đang có dư nợ tại đây thì khách hàng phải sử dụng thêm sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng.

MB là ngân hàng tích cực trong đợt giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng đợt này cũng giảm 0,5%-1,5%. Tuy nhiên, hưởng lãi suất cụ thể như thế nào, theo ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành MB, là ngân hàng sẽ xem xét tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch để áp dụng lãi suất cụ thể.

Ông Ánh cho biết, MB cũng chia khách hàng thành hai nhóm để ưu đãi lãi suất. Nhóm thứ nhất là nhóm khách hàng ưu tiên theo định nghĩa của Ngân hàng Nhà nước và bản thân MB. “Đối với các khách hàng cũ, chúng tôi thực hiện giảm ngay cho các nhóm khách hàng ưu tiên. Chúng tôi thông báo đến những khách hàng được giảm lãi suất bằng văn bản cùng với việc nhắn tin tới khách hàng. Khách hàng không cần ký kết các văn bản và đề nghị gì với MB”, ông Ánh thông tin.

Còn đối với các khách hàng muốn vay mới, thuộc đối tượng ưu tiên của MB, MB cũng thực hiện cách thông tin đến khách hàng bằng văn bản và tin nhắn. “Các thủ tục diễn ra rất đơn giản, chúng tôi thông báo tới khách hàng để tự đồng giảm trên hệ thống”, ông Ánh nói.

Trước lo ngại nhiều ngân hàng chỉ “nói miệng” giảm lãi suất và báo cáo chung chung, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ giám sát chặt. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong công văn vừa gửi các tổ chức tín dụng mới đây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, phí này Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích, hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng sẽ phải báo cáo việc thực hiện giảm lãi suất vào cuối các quý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.