Tài chính

Ngân hàng lãi lớn, lãi suất cho vay có giảm thêm?

08/03/2021, 06:51

Nhiều ngân hàng báo lãi lớn, trong khi cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

img

Vietcombank là ngân hàng hiếm hoi giảm lãi suất trên diện rộng

Ưu đãi lãi suất có chọn lọc

Vinacam là tập đoàn đa ngành nghề, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, doanh thu từ nhập khẩu phân bón hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vũ Duy Hải cho biết, Vinacam là khách hàng truyền thống của hai chi nhánh TP HCM và Bình Định thuộc một ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh.

Do được đánh giá tốt, có quan hệ nhiều năm, ngành nghề ít rủi ro nên ngay khi có gói ưu đãi lãi suất mới đây, Vinacam ngay lập tức nằm trong danh sách những khách hàng đầu tiên được ngân hàng lựa chọn.

Cũng theo ông Hải, mỗi doanh nghiệp đi vay vốn sẽ được ngân hàng áp dụng những mức lãi suất khác nhau dựa trên các tiêu chí đánh giá của ngân hàng. “Cũng phải sòng phẳng thôi bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng có mua vào và bán ra, cũng chịu rủi ro nên họ linh hoạt lãi suất”, ông Hải nói.

Không may mắn như Vinacam, Công ty Quốc tế Delta - doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ logistics, một trong những ngành nghề chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trong hơn một năm qua.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty cho biết, công ty thành lập và hoạt động đã 17 năm nhưng chỉ duy nhất ghi nhận tăng trưởng âm vào năm Covid 2020. Dù không phải quá bết bát nhưng thời gian gần đây dịch bệnh cũng đã khiến công ty hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, hiện công ty vẫn phải đi vay với lãi suất trung và dài hạn ở mức cao là trên 10%, còn ngắn hạn 8 - 9% mỗi năm. Khoản vay ngắn hạn được ưu đãi là vay từ Vietcombank với lãi suất ưu đãi hơn 7%/năm, giúp Delta tiết giảm phần nào chi phí hoạt động.

“Việc giảm thêm lãi suất hay không nằm ở phía ngân hàng”, ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa cũng cho rằng, hiện tại lãi suất tiền gửi khá thấp, các ngân hàng vẫn còn dư địa giảm lãi suất cho vay bằng cách giảm biên độ lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp, bởi cả năm 2020 hầu hết các ngân hàng đều đạt lợi nhuận kỷ lục.

Bình luận về các gói cho vay có lãi suất ưu đãi hiện nay, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói, đó là chính sách chia sẻ khi lợi nhuận của ngân hàng cao và cũng nhằm giữ chân khách hàng.

“Nhưng chỉ với những khách hàng có rủi ro thấp. Còn với những khách hàng có rủi ro cao cũng không tiếp cận được. Thành ra câu chuyện giảm lãi suất là chính sách ưu đãi dành cho khách hàng tốt, chứ không phải là chế độ để hỗ trợ doanh nghiệp yếu kém”, ông Hiếu nói.

Khó có thể giảm thêm?

Trong đợt giảm lãi suất cho vay đầu năm nay, Vietcombank là ngân hàng tiên phong và hiếm hoi giảm lãi suất trên diện rộng cả cho khách hàng cũ và khách hàng vay mới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo tính toán của Vietcombank, có khoảng 105.000 khách hàng được hưởng ưu đãi này.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng còn giữ biên độ lợi nhuận khoảng 3% nên ít nhất cho vay cũng có thể giảm được 0,5% trong quý I năm nay. Đến quý II, nếu nền kinh tế phục hồi tốt và có dấu hiệu nóng lên thì có thể xem xét tiếp tục giảm hay giữ nguyên hoặc tăng lãi suất. Đến quý III, nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ phải tăng lãi suất là cần thiết để tăng trưởng không quá nhanh và dẫn tới lạm phát bùng nổ, có thể xem xét tăng lãi suất khoảng 0,25%.


Ngoài Vietcombank, một số ngân hàng khác cũng tung gói tín dụng nhưng cho từng nhóm khách hàng: BIDV dành 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất, nhập khẩu đang chịu tác động bởi dịch Covid-19 với lãi suất 3,8 - 6,5%/năm; Vietbank có gói ưu đãi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu với lãi suất từ 6,5%/năm; OCB ưu đãi vay vốn và dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp trẻ…

Ngoài gói ưu đãi trên, đại diện BIDV cho biết, hiện tại ngân hàng vẫn chưa có chính sách ưu đãi lãi suất với các đối tượng khách hàng khác.

Một ngân hàng lớn khác có đột phá về lợi nhuận năm 2020 là Vietinbank cũng có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp áp dụng từ năm 2020 nhưng đại diện ngân hàng cũng cho biết, chưa có thêm chính sách mới hay thay đổi nào về lãi suất thời điểm này.

Trao đổi với PV, Phó giám đốc thường trực một ngân hàng tầm trung cho biết, sau Tết các ngân hàng dư thanh khoản nên thường giảm lãi suất để kích thích tín dụng. Còn ở thời điểm hiện nay, ngân hàng cũng dư thanh khoản nhưng việc giảm lãi suất là chính sách của từng ngân hàng khi mặt bằng giá vốn đã xuống thấp, chỉ bằng 50% so với thời điểm năm 2011 - 2012.

“Còn nếu nhìn vào lợi nhuận ngân hàng để nói giảm lãi suất thì không nên nhìn vào số tuyệt đối lãi 8 nghìn tỷ hay 10 nghìn, 15 nghìn tỷ đồng và cho rằng là cao bởi các ngân hàng này đều có vốn cực cao, 30 nghìn, thậm chí trên 40 nghìn tỷ đồng.

Nếu lãi 8 nghìn tỷ hay 10 nghìn tỷ đồng thì tỷ suất sinh lời cũng chỉ mười mấy phần trăm”, vị lãnh đạo này nói và cho rằng, ngân hàng lúc nào cũng tiềm ẩn nợ xấu thì tỷ suất lợi nhuận cao hơn doanh nghiệp một chút cũng là phù hợp.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, các ngân hàng quốc doanh có nguồn vốn giá rẻ từ các khách hàng truyền thống như vốn từ bảo hiểm xã hội, vốn của một số doanh nghiệp nhà nước, hay các khoản tiền gửi không kỳ hạn, khoản tiền từ một số tổ chức chính trị - xã hội… nên hoàn toàn có điều kiện triển khai các gói hỗ trợ đặc biệt hơn và có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay khoảng 0,3 - 0,5%.

“Khi ngân hàng có điều kiện về vốn mới bung tín dụng ra được, nếu không cho vay cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ”, vị lãnh đạo này nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi cũng cho rằng, một trong những điều kiện để NHNN chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất là lạm phát thì lạm phát tháng vừa rồi lại tăng cao.

Trong khi đó, lãi suất đầu vào đã giảm ở giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021 đầu vào giảm không đáng kể, thậm chí có ngân hàng tăng so với với cuối tháng 12 vừa rồi. “Lạm phát tháng 2 tăng nên xu hướng lãi suất giảm trong những tháng tiếp theo là không nhiều”, bà Mùi nói.

Lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện dao động 6,6 - 10% đối với các khoản vay có thế chấp. Đối với các khoản vay tín chấp, lãi suất cao hơn nhiều, tùy từng ngân hàng có thể lên tới trên 20%.

Ngày 5/3, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới... để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải nghiêm túc báo cáo trên cơ sở con số thống kê về kết quả tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của NHNN; đồng thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.