Tài chính

Ngân hàng lãi lớn nhờ bán... bảo hiểm

20/06/2021, 06:03

Làn sóng “bắt tay” với các công ty bảo hiểm nở rộ vài năm gần đây nhưng thực sự “nóng” lên khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

img

Quý I/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) công bố lợi nhuận trước thuế đạt gần 267 tỷ đồng

Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục, dù dịch bệnh ảnh hưởng tới hầu hết các ngành nghề và hàng triệu doanh nghiệp.

Doanh thu dịch vụ tăng mạnh

Theo tiết lộ của MB, ngân hàng đã đạt được sự tăng trưởng đột phá về số lượng khách hàng với 90 triệu giao dịch điện tử trong năm 2020, gấp 3 lần so với 2019 và tỷ lệ giao dịch trên kênh số đã đạt mức gần 85%.

Thành công này đóng góp vào doanh thu từ hoạt động ngoài lãi của MB, giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận phi tín dụng. Nhờ đa dạng hóa nguồn thu nên dù ảnh hưởng của dịch bệnh, quý I/2021, lợi nhuận hợp nhất của MB đạt trên 4.570 tỷ đồng, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2020, kết quả kinh doanh quý tốt nhất từ trước tới nay của MB.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) mới đây cũng tiết lộ, năm 2020, SeABank có mức doanh thu thuần ngoài lãi đạt 1.522 tỷ đồng và tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần đã đạt 33,2%.

Đóng góp vào đó là các khoản thu từ đầu tư như trái phiếu S-Bond, SeA-Invest, phí thẻ, dịch vụ phân phối bảo hiểm… Trong đó, riêng doanh thu phí thẻ đã đóng góp 120,3 tỷ đồng.

Lãnh đạo SeABank cho biết, năm 2020, số lượng khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ eBank của SeABank đã tăng 170%, số lượng giao dịch thực hiện trên eBank tăng hơn 200% giúp doanh thu phí tăng 114% so với năm 2019.

Đến quý I/2021, doanh thu các mảng dịch vụ ngoài lãi tiếp tục đóng góp lớn cho SeABank: Kinh doanh ngoại hối 78 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư 90 tỷ đồng, lãi từ dịch vụ 117 tỷ đồng… đẩy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2020.

Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới đây khi công bố lợi nhuận trước thuế quý I/2021 đạt gần 267 tỷ đồng, cũng tiết lộ đóng góp chủ yếu từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh tiền tệ. Ngân hàng cho biết, quý này thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của SCB tăng 155,8%; Hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán cũng tăng 157,8%.

Nguồn thu khủng từ phí bán bảo hiểm

img

Chính sách chia sẻ của ngân hàng được cho là chỉ dành cho những khách hàng có rủi ro thấp, còn khách hàng rủi ro cao rất khó tiếp cận

Một điểm nổi bật trong lợi nhuận của các ngân hàng là tăng thu từ dịch vụ phân phối bảo hiểm. Làn sóng “bắt tay” với các công ty bảo hiểm để phân phối trong hệ thống ngân hàng đã nở rộ vài năm gần đây nhưng thực sự “nóng” lên khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và giải ngân tín dụng của hệ thống ngân hàng bị ngưng lại.

Đơn cử như SeABank, họ chính thức triển khai sản phẩm bảo hiểm Prudential từ tháng 3/2020, nhưng đến hết tháng 12/2020 đã đạt tổng doanh thu phí từ hoạt động bảo hiểm lên 126 tỷ đồng, hoàn thành 140% chỉ tiêu năm với lượng khách hàng đạt hơn 13.000 khách hàng.

Cũng “bắt tay” với Prudential Việt Nam từ tháng 4 năm nay, hợp đồng phân phối bảo hiểm của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) sẽ kéo dài trong 15 năm. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Vietcombank, mức phí lót tay trả trước của thương vụ độc quyền bảo hiểm giữa MSB và Prudential có thể lên đến 3.500 tỷ đồng.

Doanh thu từ phí bảo hiểm của MSB được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 30 - 40% mỗi năm trong vòng 5 năm tới, chưa tính đến mức phí trả trước nhận được khi ký hợp đồng như trên.

Với Vietinbank, trong một sự kiện mới đây, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank tính toán lợi nhuận quý I/2021 của ngân hàng này ước đạt gần 8.000 tỷ đồng. Dù con số này đã cao gấp đôi so với cùng kỳ 2 năm gần nhất nhưng lợi nhuận này vẫn chưa ghi nhận khoản phí trả trước của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Manulife ký hồi tháng 12/2020 (khoảng 350 triệu USD).

Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thực sự bùng nổ từ năm 2020 với hàng loạt thương vụ nghìn tỷ. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phân phối độc quyền các sản phẩm nhân thọ của Sunlife Việt Nam trong vòng 15 năm, từ 1/1/2021, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (khoảng 8.500 tỷ đồng).

Theo tính toán, mức phí trả trước ngân hàng nhận được từ công ty bảo hiểm lên tới 101 USD/khách hàng, cao kỷ lục trong các thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền tại Việt Nam từ trước đến nay.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng tận dụng khai thác gia tăng nguồn thu, không chỉ thu được phí từ bảo hiểm mà các ngân hàng còn có thể khai thác thêm nhiều dịch vụ khác từ tệp khách hàng của bảo hiểm. Trong cuộc đua cạnh tranh sắp tới, các ngân hàng lớn sẽ có lợi thế lớn bởi các hãng bảo hiểm thường mong muốn hợp tác với ngân hàng lớn nhờ lợi thế quy mô khách hàng, đặc biệt đối với ngân hàng có mạng lưới rộng.

Lãi đột biến vẫn nhờ tiền rẻ?

Đến nay đã có 3/4 số ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với lợi nhuận tăng mạnh và tiếp tục vượt xa các ngành kinh doanh khách.

Thống kê số liệu từ 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2021, tổng lợi nhuận trước thuế các ngân hàng đạt 52.152 tỷ đồng, tăng 78,2% so với cùng kỳ năm trước. TOP 10 ngân hàng có lãi trước thuế cao nhất gồm: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, MB, VPBank, BIDV, ACB, HDBank, VIB và SHB. Tổng lợi nhuận của 10 ngân hàng này đạt 42.867 tỷ đồng, chiếm hơn 82% tổng lợi nhuận của 27 ngân hàng được thống kê.


Theo thống kê của FiinGroup, đơn vị cung cấp thông tin tài chính và doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, 19/27 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh (chiếm 60% vốn hoá của ngành) có lợi nhuận sau thuế tăng 86,7% so với cùng kỳ 2020 dù tổng thu nhập hoạt động tăng thấp hơn, chỉ tăng 30,2%.

Ba động lực tăng trưởng chính của ngân hàng được chỉ ra là từ biên lãi ròng (chênh lệch giữa tiền lãi kiếm được nhờ cho vay và đầu tư với tiền lãi trả cho khách hàng) được cải thiện, từ dịch vụ tăng và từ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm.

Thời gian qua, lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng đã giúp biên lãi ròng nới rộng hơn trước. Theo đánh giá của FiinGroup, đây là yếu tố then chốt giúp các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý I/2021.

Trước đây, biên lãi ròng của các ngân hàng duy trì quanh 3%, nhưng đến đầu năm 2020 con số này được nới lên 3,9% và đến quý I/2021 đã tăng lên 4,1%. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và lãi suất vẫn được duy trì như hiện nay, tỷ lệ “tiền rẻ” (tiền không kỳ hạn trong tài khoản của khách hàng) tăng mạnh thì dự kiến biên lãi ròng của các ngân hàng sẽ còn tăng cao hơn, lợi nhuận của các ngân hàng theo chiều hướng trên cũng sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Đơn cử, VietinBank quý I năm nay nổi lên như ngôi sao dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng 169,1% nhờ thu nhập lãi thuần tăng 26% do chi phí huy động giảm 20%, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 21% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 69%.

Tính chung lợi nhuận sau thuế năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 24% và chỉ với quý I, các ngân hàng cũng đã hoàn thành 31% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến hết quý I năm nay, để hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng khó khăn do dịch Covid-19, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đây là chính sách chia sẻ khi lợi nhuận của ngân hàng cao và cũng để giữ chân khách hàng. Nhưng ông Hiếu cũng chỉ ra, chính sách này chỉ dành cho những khách hàng có rủi ro thấp. Còn những khách hàng có rủi ro cao rất khó tiếp cận. “Câu chuyện giảm lãi suất là chính sách ưu đãi dành cho khách hàng tốt, chứ không phải là chế độ để hỗ trợ doanh nghiệp yếu kém”, ông Hiếu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.