Tài chính

Ngân hàng lãi lớn, số thuế nộp tăng hơn 70%

05/08/2021, 19:36

Một số lĩnh vực tăng đóng góp về thuế vừa qua như: ngân hàng tăng gần 73%; chuyển nhượng BĐS tăng gần 62%; chứng khoán gấp gần 2,5 lần...

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế chiều 5/8, một số ngành tăng trưởng khá trong 7 tháng và có đóng góp lớn cho ngân sách là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...

Ngân hàng lãi lớn nhờ chênh lệch lãi suất

Với khối các ngân hàng thương mại, Tổng cục Thuế cho biết, các ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi ở mức cao; Đồng thời gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ (dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn…), cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro...

img

Lãi lớn, thuế nộp ngân sách của ngân hàng tăng gần 73%. Ảnh minh hoạ

Trên cơ sở đó, góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại, dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng cao.

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 7/2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 104.400 tỷ đồng, bằng 9,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 7 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, thuế nộp của khối ngân hàng thương mại tăng khoảng 72,9% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Bên cạnh ngân hàng, thị trường bất động sản tăng trưởng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khoảng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao. Số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động này cũng gấp 2,6 lần cùng kỳ, tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Còn đối với thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Cũng theo Tổng cục Thuế, kinh tế những tháng cuối năm 2020 hồi phục khá, cộng với việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ (kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng 1/2021).

Từ đó dẫn đến số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...

Nếu loại trừ các yếu tố chính sách gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến nêu trên thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý 7 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó số thu từ thuế, phí nội địa tăng 2,4%.

Tổng cục Thuế cho hay, mặc dù số thu 7 tháng đạt khá cả về tiến độ và tốc độ so với mức thực hiện cùng kỳ những năm gần đây do thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt khá.

Tuy nhiên, diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần và đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay. Theo đó, thu thuế phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%, tháng 7 ước giảm 10,4%.

Số thu ngân sách trung ương lũy kế 7 tháng năm 2021 ước đạt 327.500 tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán, bằng 107,3% so với cùng kỳ. Thu NSĐP ước đạt 436.305 tỷ đồng, bằng 72,2% dự toán, bằng 117,8% cùng kỳ.

Đẩy mạnh thu thuế từ thương mại điện tử

Tổng cục Thuế đánh giá, những tháng cuối năm, kinh tế nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Do đó, nếu dịch bệnh không được sớm kiểm soát sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế và thu ngân sách nhà nước thời gian tới.

Để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, Tổng cục Thuế đã đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có rà soát tình hình tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận còn lại của năm 2020 để chủ động đôn đốc doanh nghiệp nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận còn lại phải nộp theo quyết toán năm 2020; Tạm nộp thuế, cổ tức, lợi nhuận còn lại phát sinh các quý năm 2021 sát với thực tế.

Cơ quan thuế cũng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, các hoàn thuế VAT hàng hóa xuất khẩu, các được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, các có giao dịch liên kết; Giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, các giao dịch đáng ngờ.

Trên cơ sở đó, tiếp tục có biện pháp yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh và thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định (đặc biệt là các tổ chức nước ngoài lớn như Facebook, Google, Youtube, Netflix...)...

Được biết, đến 15/7/2021, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 36.161 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 34,91% kế hoạch năm 2021 (36.161/103.569 doanh nghiệp) và bằng 110,08% so với cùng kỳ năm 2020; Kiểm tra được 357.662 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 118,66% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 25.972,31 tỷ đồng bằng 84,61% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 5.466,47 tỷ đồng; Giảm khấu trừ là 1.080,48 tỷ đồng; Giảm lỗ là 19.425,36 tỷ đồng.

Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.261,25 tỷ đồng, bằng 59,66% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.