Doanh nghiệp

Ngân hàng lâm cảnh "gửi ngắn vay dài"

21/08/2014, 06:48

Dù vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động cho vay, trong khi huy động vốn tăng trưởng đều, song các ngân hàng vẫn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro thanh khoản do tiền gửi chủ yếu ngắn hạn...

Người gửi tiền vẫn thích gửi ngắn hạn dù lãi suất dài hạn hấp dẫn
Người gửi tiền vẫn thích gửi ngắn hạn dù lãi suất dài hạn hấp dẫn


Người gửi tiền không “ưa” kì hạn dài


Dẫn đầu về mức lãi suất huy động trên thị trường hiện nay là ngân hàng TMCP Phương Nam: 8,8%/năm đối với kì hạn 18 tháng, cao hơn hẳn mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng là từ 7,5 đến 8%/năm. Ở các kì hạn khác, lãi suất huy động của Phương Nam cũng nhỉnh hơn hẳn với mức chênh lệch từ 0,2 đến 0,5%; thậm chí 0,7%/năm so với các ngân hàng khác. Tuy nhiên, giữa các kì hạn, mức lãi suất huy động của Phương Nam không có sự chênh lệch đáng kể. Đơn cử, kì hạn 1, 2, 3 tháng cùng có lãi suất 6%/năm; kì hạn 6 và 9 tháng là 7,7%/năm; kì hạn 12, 24 và 36 tháng là 8,4%/năm... 
 

Cùng với rủi ro kì hạn, các ngân hàng đều phải đổi mặt với tình trạng nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh: Tính đến 31/6, ngân hàng VCB dẫn đầu về mức tăng nợ có khả năng mất vốn (so với cuối năm 2013): 71%, tương ứng 4.765 tỷ đồng. Tiếp đến là Techcombank: 70% (1.685 tỷ đồng); Vietinbank tăng 41% (3.173 tỷ đồng); BIDV và Eximbank tăng 36%; Sacombank tăng 31%; NCB, ACB, MB đều tăng trên 20%. Duy nhất ngân hàng PvcomBank có nợ có khả năng mất vốn giảm 5%, song vẫn lên tới 1.439 tỷ đồng. 

Các ngân hàng khác cũng có tình trạng tương tự. Như ngân hàng Phương Đông (OCB), Phát triển Nhà TP HCM (HDBank), Sài Gòn (SCB), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…, lãi suất huy động các kì hạn 1, 2, 3 tháng đều 6%/năm - mức trần đối với huy động ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Lãi suất huy động các kì hạn 12, 18, 24 và 36 tháng của HDBank đều là 8%/năm; của An Bình (ABBank) đều là 7,7%/năm; kì hạn 18, 24 và 36 tháng tại Tiền Phong (TPBank) cùng là 7,5%; của SCB chênh lệch không đáng kể: 8,1 và 8,2%/năm…

Nhìn vào “đường cong lãi suất” của các ngân hàng có thể thấy, các ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn dài hạn. Báo cáo của các ngân hàng cũng thể hiện rõ điều này. Theo đó, phần lớn vốn huy động của các ngân hàng đều rơi vào kì hạn ngắn (dưới một năm). Chẳng hạn, tại ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV), tính đến 31/6, ngân hàng huy động 386.056 tỷ đồng, trong đó huy động ngắn hạn là 384.944 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,7%. Các ngân hàng như: Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Á Châu (ACB), tổng huy động lần lượt là 109.471 tỷ đồng và 147.173 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng vốn ngắn hạn lần lượt là 98,2 và 98,4%. Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PvcomBank), ABBank, Quốc Dân (NCB), tỷ trọng huy động ngắn hạn đều trên 97%. Ngân hàng Quân Đội (MB) có tỷ lệ huy động ngắn hạn thấp nhất đến thời điểm này, song cũng lên tới 78,7%...


Mất cân đối lớn


Trong khi đó, hoạt động cho vay lại diễn biến ngược lại khi vốn vay trung và dài hạn lại chiếm một tỷ trọng khá lớn trong dư nợ của nhiều ngân hàng. Đơn cử, Ngân hàng BIDV, cho vay trung dài hạn 147.709 tỷ đồng trong khi huy động trung dài hạn chỉ 1.112 tỷ đồng, chênh lệch giữa vốn huy động/cho vay lên tới 146.598 tỷ đồng. Ngân hàng Vietcombank (VCB), chênh lệch giữa vốn huy động dài hạn/cho vay trung dài hạn là 59.124 tỷ đồng (huy động dài hạn 21.828 tỷ đồng song cho vay dài hạn tới 80.952 tỷ đồng). Tương tự, chênh lệch giữa huy động/cho vay trung dài hạn của ngân hàng SHB là 48.324 tỷ đồng; của ACB là 45.937 tỷ đồng; của Sài Gòn Thương Tín (STB) là 43.949 tỷ đồng… Các ngân hàng như: Eximbank, Công thương (Vietinbank), Kỹ Thương (Techcombank), Pvcombank…, chênh lệch đều trên 20.000 tỷ đồng. Duy nhất đến thời điểm này có ngân hàng MB “dương” 26.257 tỷ đồng về cơ cấu giữa vốn huy động/vốn vay trung dài hạn.  


Theo một chuyên gia tài chính, ngoài vốn huy động từ tiết kiệm, các ngân hàng còn có thêm các nguồn huy động dài hạn khác như phát hành giấy tờ có giá, thặng dư vốn cổ phần, vay tổ chức tín dụng khác…. Tuy nhiên, lượng vốn này thường chiếm tỷ lệ nhỏ, so vậy không đủ bù đắp cho tín dụng trung dài hạn. Điều này dẫn đến nguy cơ rủi ro thanh khoản trong trường hợp có nhiều khách hàng, đồng thời rút tiền khi tới hạn, dù vừa qua các ngân hàng đều tăng trưởng huy động cao hơn nhiều tăng trưởng cho vay. Hơn nữa, sự mất cân đối kì hạn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng càng rụt rè trong cho vay doanh nghiệp sản xuất, bởi đa phần cần nguồn vốn trung và dài hạn.  

Thảo Nguyên
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.