Xã hội

Ngân hàng Nhà nước muốn có thêm thẩm quyền điều tra

05/06/2023, 11:49

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cho phép Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng.

Đề xuất can thiệp sớm khi Ngân hàng Nhà nước rút tiền hàng loạt

Sáng 5/6, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trình bày về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo bà Hồng, dự luật bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Dự luật dự kiến sẽ áp dụng thêm đối tượng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.

Các quy định được sửa đổi khá nhiều, bao gồm các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, về tài chính, hạch toán, báo cáo…

img

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt, trong đó cho phép áp dụng can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn này.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của NHNN để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

img

Các đại biểu nghe trình bày về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Ngân hàng Nhà nước muốn có thẩm quyền điều tra vi phạm về ngân hàng

Cũng theo bà Hồng, dự luật bổ sung quy định rõ trách nhiệm của NHNN, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, làm rõ phạm vi quản lý nhà nước của các bộ ngành khi có sự giao thoa giữa các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...

Đáng chú ý, dự luật dự kiến cho NHNN thẩm quyền "Điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng theo quy định của pháp luật".

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói: "Có ý kiến đề nghị xem lại thẩm quyền của NHNN về "Điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng" do chưa phù hợp với quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; chưa phân định rõ phạm vi, đối tượng, quy trình điều tra của NHNN".

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phân tích nhiều vấn đề và kết luận, còn nhiều nội dung quan trọng, cốt lõi của dự án Luật nhưng chưa cụ thể, chưa phù hợp, cần tiếp tục được hoàn thiện. Do đó, Ủy ban Kinh tế báo cáo Quốc hội xem xét, cân nhắc thông qua dự án luật theo quy trình 3 kỳ họp.

Điều 191, Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát như sau:

1. NHNN có thẩm quyền:

- Kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;

- Điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Bộ Tài chính trao đổi thông tin và chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, giám sát, kiểm tra hoạt động về chứng khoán, bảo hiểm của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.

4. Trong phạm vi quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình, các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thẩm quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.