Thị trường

Ngân hàng Nhà nước: Sớm có gói tín dụng “cứu” doanh nghiệp hàng không

28/09/2021, 21:00

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước và các hãng hàng không chiều nay 28/9.

Các hãng hàng không: Dòng tiền đã “rất âm”

Tại cuộc gặp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các hãng hàng không chiều nay 28/9, các hãng hàng không cho biết, họ hiện vô cùng khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Và với diễn biến hiện nay, dịch bệnh còn có thể còn kéo dài tới năm 2022, dẫn tới hệ lụy sang những năm tiếp theo khi phần nợ và lỗ của những năm vừa qua luỹ kế lên.

img

Các hãng hàng không đang rất khó khăn. Ảnh minh hoạ

Theo đại diện của Viettravel, tình trạng tài chính hiện nay của các hãng hàng không là dòng tiền đều đã ở trạng thái âm; Các khoản nợ đã vay, sẽ vay và các khoản nợ cần phải thu đều cấp thiết.

“Hãng hàng không của chúng tôi ra đời và bắt đầu bay thương mại từ 25/1. Nhưng mới bay được mấy hôm thì bắt đầu dịch. Tháng 4, chúng tôi có 3 máy bay đầu tiên và chúng tôi thuê tiếp 3 tàu bay nữa dự kiến đưa về trong tháng 6 và thêm 2 tàu bay nữa vào tháng 11, nâng tổng cộng số tàu bay lên 8 cái, sang năm 2022 là 16 tàu bay. Chúng tôi có nhu cầu vay vốn của các tổ chức tín dụng rất lớn. Tuy nhiên dịch bệnh đã làm thay đổi toàn kế hoạch và dòng tiền hiện nay cực kỳ âm”, đại diện Vietravel Airlines chi sẻ.

Do đó, đại diện Vietravel Airlines đề xuất ngành ngân hàng cấp thiết áp dụng chính sách về vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không nội địa. Tuy nhiên, nếu áp dụng chính sách vay vốn phải có tài sản bảo đảm thì rất khó. Vì vậy, Vietravel Airlines đề xuất được vay vốn theo cơ chế linh hoạt.

“Tôi khẳng định, mùa dịch này không có hãng hàng không nào vận chuyển mà có lãi, thậm chí còn âm lớn. Lỗ lớn như vậy, lỗ nhanh như vậy thì cần được “chăm bẵm” kịp thời. Chính vì vậy tôi mong muốn NHNN và các ngân hàng thương mại đã “mở lòng rồi thì mở lòng thêm nữa” chia sẻ với doanh nghiệp”, đại diện Vietravel Airlines đề nghị.

Lãi suất cho vay hàng không rất thấp

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, bên cạnh việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, Vietcombank vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không đang khó khăn. Không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không mà Vietcombank còn hỗ trợ hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không như hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, cấp nhiên liệu hàng không, dịch vụ hàng không…

Đại diện MSB: Hiện nay cấp tín dụng cho các hãng hàng không có thể lỗ tạm thời thì ngân hàng có thể chấp nhận hy sinh về lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với hãng hàng không. Tuy nhiên, ngân hàng không thể vượt qua được vì ngân hàng cũng phải bảo toàn vốn. Khi cấp tín dụng mà không có phương án khả thi chứng minh nguồn trả nợ thì các ngân hàng rất khó cho vay.

“Dư nợ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không và phục vụ cho ngành hàng không là 16.000 tỷ đồng”, ông Tùng nói.

Liên quan đến mặt bằng lãi suất mà Vietcombank cho vay các doanh nghiệp hàng không, ông Tùng thông tin rất thấp, cả với lãi suất ngắn hạn và trung dàn hạn. “Nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp hàng không mang tính hỗ trợ là chủ yếu”, ông Tùng nói.

Đại diện BIDV cũng chia sẻ, ngân hàng hết sức chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp ngành hàng không, cung cấp tín dụng cho cả ngành hàng không và doanh nghiệp trong hệ sinh thái.

“Tổng hạn mức mà BIDV cấp cho Vietnam Airlines cũng như Bamboo Airways là 3.300 tỷ đồng. Hiện dư nợ cấp cho hai hàng hàng không này là 2.800 tỷ đồng. Riêng Vietnam Airlines, thời gian qua, tổng dư nợ cơ cấu cho hãng hàng không này là 12,4 triệu USD và hơn 715 tỷ đồng cho vay ngắn hạn. Từ nay đến hết năm, dự kiến BIDV sẽ cơ cấu thêm cho 2 hãng bay này 965 tỷ đồng nữa, đưa tổng dư nợ BIDV cơ cấu cho doanh nghiệp hàng không lên 1.700 tỷ đồng”, đại diện BIDV nói.

Ngoài cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, BIDV cũng giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu với lãi suất rất ưu đãi cho doanh nghiệp hàng không, chưa kể các chi phí như bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc…

Tuy nhiên, BIDV cũng kiến nghị NHNN xem xét tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách tài trợ cho các hãng hàng không đang lỗ liên tục và chưa xác định rõ được khả năng trả nợ trong tương lai. Đây là khó khăn của ngân hàng khi tiếp tục cấp vốn, duy trì và gia tăng hạn mức cho các hãng hàng không.

“Vì nếu theo chính sách cấp tín dụng, BIDV phải giảm dần dư nợ, yêu cầu doanh nghiệp trả nợ. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không, BIDV vẫn duy trì cấp vốn lưu động cho các hãng hàng không duy trì hoạt động”, đại diện BIDV giải thích.

Sớm có gói tín dụng ưu đãi

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, chưa khi nào hàng không lại khó khăn trăm bề như hiện nay. “Máy bay phủ bạt ở sân bay sót ruột lắm. Máy bay không bay để lâu cũng hỏng. Chi phí cho kiểm định an toàn bay tốn hơn thời gian bay. Khi nổ máy phải làm lại tất cả quy trình”, Phó Thống đốc chia sẻ.

Phó Thống đốc cho biết, gói 4.000 tỷ đồng vừa cứu trợ Vietnam Airlines đã cho thấy khó khăn của hãng này và NHNN chia sẻ với khó khăn đó. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và các ngân hàng cũng đang rất khó khăn.

“Điều hành vĩ mô của NHNN thời điểm này rất lo lắng, không phải ngay hôm nay mà là trung hạn trong mấy năm tới. Khi nền kinh tế 2009-2010 do khủng hoảng tài chính, tác động một số lĩnh vực, rồi bong bóng bất động sản và chứng khoán để lại 11% nợ xấu cho nền kinh tế. Ngân hàng giải quyết đến bây giờ vẫn chưa xong”, ông Tú nói.

Lúc đó quy mô nền kinh tế có 2,7 triệu tỷ đồng giờ lên tới 10 triệu tỷ đồng. “Nếu như không đảm bảo được ổn định vĩ mô, giữ được giá trị đồng tiền, lạm phát vượt lên 7-8% thì bao nhiêu nỗ lực thời gian đổ sông đổ biển”, ông Tú nói.

Bên cạnh đó còn vấn đề nợ xấu, nên ông Tú cho hay, các ngân hàng vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt vừa phải giải quyết ổn định vĩ mô lâu dài.

Cũng theo ông Tú , dù khó khăn nhưng tới nay chưa có hãng hàng không nào phá sản. Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp. “Lạm dụng quá chính sách tiền tệ quốc gia sẽ phải trả giá đắt nếu lạm phát không kiểm soát được. Tiền cứ bơm ra thì ai dám chắc không lạm phát trong vài năm tới. Đặc biệt độ trễ của chính sách tiền tệ, tái cơ cấu sổ sách đẹp. Vietnam Airlines sau khi hết dịch, dòng tiền quay về thì bù đắp lại rất nhanh nhưng một số lĩnh vực kinh tế khác có khi 5-7 năm vì gần như kiệt quệ hết, toàn bộ vốn liếng, tài sản đều là tiền vay hết”, ông Tú nói.

Đại diện NHNN cho biết, hiện dư nợ cho vay ngành hàng không khoảng 24.000 tỷ đồng, lãi suất chủ yếu là 5%/năm. Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất thêm gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ dự kiến lên hơn 50.000 tỷ đồng. Nếu so với khoảng 3,5-4 triệu tỷ đồng dư nợ gặp khó khăn bởi dịch trên tổng 9,8 triệu tỷ đồng dư nợ nền kinh tế thì nợ của ngành hàng không không phải quá lớn.

Do đó, Phó Thống đó cho biết sẽ ưu tiên và tạo điều kiện cho các hãng hàng không vay vốn ngân hàng, đồng thời đề nghị ngân hàng chủ động cho vay ưu tiên.

Việc cơ cấu lại nợ, ông Tú cho biết từ nay đến 30/6/2022 nếu tình hình dịch bệnh diễn biến còn khó khăn thì sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư 01, 03 và mới đây là Thông tư 14 sửa đổi về cơ cấu lại nợ để hỗ trợ ngành hàng không.

“Đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất cho các hãng hàng không. Các ngân hàng chủ động quyết định mạnh dạn cho các hãng vay tín chấp. Về nhu cầu vay vốn của ngành hàng không khá lớn để hồi phục, nếu cần tăng hạn mức tín dụng NHNN sẽ nới bổ sung.

Sau đây các bộ ngành như KH&ĐT, GTVT, tài chính và NHNN sẽ phối hợp ra đề xuất gói tín dụng ưu đãi cho các hàng hàng không để sớm trình lên Chính phủ sớm”, ông Tú nói.

Tổng giám đốc HDB: Tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp hàng không và doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng không đạt gần 5.000 tỷ đồng. Hàng không là ngành dễ bị thương tổn do Covid-19 nhưng hồi phục nhanh khi được bay lại. Hiện nay, cho vay của HDB với Vietjet Air đã chạm ngưỡng 2.500 tỷ đồng, và HDB sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm cho ngành hàng không nếu được NHNN nới hạn tín dụng. Thậm chí, nếu không được nới giới hạn tín dụng thì HDB cũng bảo lãnh để Vietjet Air vay nước ngoài khi chi phí vốn hợp lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.