Y tế

Nhiều bà mẹ tình nguyện làm "phao cứu sinh" cho trẻ thiếu sữa

13/04/2019, 06:09

Sau 2 năm ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở Đà Nẵng ra đời, TP.HCM cũng quyết định thành lập mô hình tương tự.

img
Nhân viên hướng dẫn một người mẹ hiến sữa tại bệnh viện

“Mẹ có thể chỉ sinh ra một em bé nhưng mẹ có thể làm mẹ của nhiều em bé khác”. Đây là thông điệp nhân văn ngọt ngào của Ngân hàng sữa mẹ (NHSM) thứ 2 dự kiến cung cấp sữa cho hàng ngàn trẻ sinh non tại TP.HCM.

Niềm vui cho nhận sữa

Sau 2 năm NHSM đầu tiên ở Đà Nẵng ra đời, TP.HCM cũng quyết định thành lập mô hình tương tự. Khi hay tin NHSM hoạt động, anh Lê Thanh Khiết (quận 1, TP.HCM) đã tìm đến bệnh viện để hỏi về quy trình hiến tặng sữa và đã bàn bạc với vợ sẽ hiến sữa vào ngân hàng cho các bé thiếu sữa dùng.

Một trong những bà mẹ có con được thụ hưởng dòng sữa ngọt ngào từ NHSM, chị Trần Thị Hạnh (33 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cho hay, chị trở dạ sinh con lúc thai mới 27 tuần tuổi. Bé chỉ nặng hơn 1,1kg và phải trợ thở bằng máy móc ngay từ khi mới sinh nên chị rất lo lắng. Hiểu con cần nguồn sữa mẹ đầu đời quý giá, chị Hồng kiên trì hàng ngày tìm cách vắt sữa cho con. Tuy nhiên, lượng sữa chị vắt ra không thấm tháp là bao so với nhu cầu của bé.

“Mỗi lần vắt sữa cho con tôi phải tìm đủ mọi cách nhưng chỉ vắt ra được từng giọt nhỏ. Nhiều khi tôi cứ sợ tắc sữa cho bé. Tôi mong các bà mẹ có sữa tặng cho ngân hàng sữa để cung cấp cho bé thêm”.

Đó là cũng là cảnh ngộ chung của nhiều bà mẹ sinh con thiếu tháng, nhẹ cân phải được nuôi và điều trị bằng dịch truyền tại Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ. Việc NHSM ra đời như phao cứu sinh cho những trẻ không có cơ hội tận hưởng nguồn sữa mẹ.

Nguồn sữa hiến tặng phong phú

Đến thời điểm hiện tại, NHSM Đà Nẵng đã cung cấp 4.000 lít sữa mẹ cho hơn 7.200 trẻ, trong đó 2.600 trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý. Trung bình mỗi ngày NHSM Đà Nẵng nhận 4,7 lít sữa. Mỗi bà mẹ hiến 9,3 lít sữa, thời gian hiến tặng trung bình 30 ngày. Vào năm 2016, trước khi NHSM ra đời, khoảng 30% trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý nằm tại khoa nhi sơ sinh phải dùng đến sữa công thức trong hai ngày đầu. Từ năm 2017 tới nay, gần như 100% trẻ không phải dùng đến sữa công thức trong 2 ngày đầu sau sinh.


Theo BS. Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ, hiện nay trong gần 70 nghìn ca sinh/năm tại Từ Dũ, Khoa Sơ sinh đã tiếp nhận, chăm sóc và điều trị 6.000 - 7.000 trẻ sinh non tháng với các bệnh lý đi kèm đang cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng điều trị, hỗ trợ cho quá trình hồi phục.

BS. Thanh cho hay, qua một tuần vận hành thử NHSM, nguồn sữa mẹ hiến tặng khá phong phú, vượt qua dự đoán ban đầu, có ngày bệnh viện thu được 8 - 10 lít.

“Lượng sữa này đã đáp ứng được nhu cầu các bé sơ sinh cực non nằm ở Khoa Hồi sức sơ sinh BV Từ Dũ. Khi nguồn hiến tặng dồi dào, NHSM sẽ đảm nhận cung cấp sữa mẹ quý giá cho trẻ sơ sinh, non tháng tại Bệnh viện Từ Dũ và các bệnh viện chuyên khoa sản, nhi khác của TP HCM”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ, với trẻ sinh non, sử dụng sữa công thức, khả năng viêm ruột hoại tử của trẻ tăng lên rất nhiều lần. Nếu mắc bệnh này tới mức độ phải can thiệp phẫu thuật, khả năng sống còn của bé sẽ giảm đi rất nhiều. Thậm chí sau khi mổ, bé cũng phải chịu nhiều biến chứng vì ruột đã bị cắt bỏ một đoạn dài khiến trẻ kém hấp thu, suy dinh dưỡng, mắc các biến chứng về nhiễm trùng.

Ngoài ra, khi sử dụng sữa mẹ cho trẻ sinh non, bé hấp thu tốt hơn, giảm thời gian nuôi dưỡng bằng dịch truyền, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và sớm được xuất viện.

“Những bà mẹ hiến tặng sữa sẽ được cho mượn máy vắt sữa, túi bảo quản sữa, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ sữa trong tủ lạnh, có dán nhãn code tên người tặng và ngày giờ vắt. Sau đó, sữa được rã đông để thanh trùng nhằm loại bỏ các tác nhân vi sinh học như: Nấm, vi khuẩn, virus, bào tử… trong khi vẫn đảm bảo dinh dưỡng và miễn dịch của sữa mẹ. Trước và sau bước thanh trùng, sữa mẹ được xét nghiệm vi sinh, nếu không đạt yêu cầu, mẻ sữa sẽ bị hủy bỏ”, BS. Từ Anh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.