Chuyện dọc đường

Ngăn “ma men” lái xe dịp Tết

10/01/2023, 05:58

Vấn nạn uống rượu bia lái xe đã gây ra rất nhiều hậu quả đau lòng...

Theo đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, trong 22 ngày (từ 15/12/2022 - 5/1/2023), lực lượng CSGT thành phố đã xử lý 4.344 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 23 tỷ đồng, tước 2.352 giấy phép lái xe.

Như vậy, mỗi ngày các cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng CSGT, 15 tổ công tác liên ngành 141 và 29 đơn vị công an quận, huyện, thị xã… xử lý gần 200 trường hợp vi phạm và phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng. Đây là một con số thực sự đáng báo động.

img

CSGT kiểm tra nồng độ cồn lái xe (Ảnh minh họa)

Thực tế, vấn nạn uống rượu bia lái xe đã gây ra rất nhiều hậu quả đau lòng. Những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra những năm gần đây đều xuất phát từ việc uống rượu bia không làm chủ được tay lái. Đây là vấn đề gây bức xúc của toàn xã hội, bởi hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của nó. Và khi Tết đã cận kề như thời điểm này, vấn nạn này lại càng nhức nhối khi càng nhiều hơn những cuộc liên hoan, tổng kết, tất niên.

Cần phải nói rằng mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia hiện nay không phải là thấp và phần nào đã đủ sức răn đe. Tuy nhiên, vấn đề là vì sao nhiều người vẫn cố tình vi phạm?

Tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp Tết, cộng với tâm lý “Tết mà” của người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên ở các địa bàn nông thôn khiến vi phạm vẫn rất phổ biến. Dù biết rằng nếu bị kiểm tra sẽ bị phạt rất nặng, song không ít người vẫn bất chấp, cố tình lái xe dù bản thân không còn tỉnh táo. Chỉ khi xảy ra hậu quả, họ mới lại than rằng “biết thế”, “giá như”…

Ở đây cần xác định, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới chỉ là xử lý phần ngọn. Chỉ khi hình thành được văn hóa “đã uống không lái”, tất cả các công dân đều ý thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu bia lái xe, khi đó vi phạm mới không còn tràn lan. Nói cách khác, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa.

Bởi vậy, cùng với nhiều biện pháp, từ cưỡng chế, xử lý vi phạm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng tính răn đe, quan trọng là làm sao để văn hóa giao thông đến với từng nhà, với mỗi người. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần được đẩy mạnh hơn nữa, để ai cũng ý thức được hậu quả khôn lường từ việc uống rượu bia lái xe.

Và để hình thành văn hóa, thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, trước hết cần tăng cường quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương mình chấp hành nghiêm. Bản thân họ cũng phải là những “tuyên truyền viên” trong việc vận động chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, không điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia.

Đặc biệt, đối với người vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, cần phải có những hình thức xử lý thích đáng, bên cạnh việc xử phạt theo quy định hiện hành.

Mỹ Hà

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.