Khám phá

Ngàn người đội rét đi phiên chợ rạng sáng mùng 3 Tết ở Quảng Trị

24/01/2023, 09:28

Đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 Tết Quý Mão, hàng ngàn người dân, du khách đội rét đổ về phiên chợ mỗi năm họp 1 lần ở Quảng Trị mua "lộc" đầu năm.

Đây là phiên chợ mang đậm nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân Bích La ngũ giáp ở phía Đông huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Từ chiều tối Mùng 2 Tết Nguyên đán Quý Mão, Chợ đình Bích La ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã rộn rã tiếng người xe.

img

Một trong những sản vật người dân địa phương trao cho người mua tại phiên chợ là những cành lộc đầu năm..

Càng đến khuya, dòng người khắp nơi đội rét đổ về trẩy hội phiên chợ đình mỗi lúc một đông.

Trong màn đêm lập lòe ánh điện, tiếng nói cười, tiếng người bán chào mời khách mua cơi trầu, bịch muối hạt, những sản vật địa phương như cây mía, quả thơm, nải chuối, hay những cành “lộc” đầu năm là nhánh chè xanh, cây thần tài... rộn rã cả một vùng quê.

Nét độc đáo của phiên chợ này là người bán cốt mong muốn bán “lộc” cho người mua nên không bao giờ nói thách, còn người mua vốn muốn mua “lộc” cầu may đầu năm nên cũng không hề trả giá.

Lễ hội Chợ đình Bích La với ước nguyện cầu cho quốc thái dân an, cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn phát triển…

Ngoài phiên chợ quê độc đáo, lễ hội Chợ đình Bích La còn có không gian thư pháp để người dân và du khách xin chữ đầu năm. Đặc biệt, lễ hội Chợ đình còn có phần lễ chính của lễ hội là lễ cầu thần Kim Quy diễn ra vào rạng sáng mùng 3 Tết.

Sau phần lễ chính, sáng mùng 3 Tết, người dân và du khách tiếp tục hòa mình vào không khí lễ hội chợ đình làng Bích La với các trò chơi dân gian như tham dự hội bài chòi.

img

Hàng ngàn người đổ về khu vực Chợ đình Bích La đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 Tết

Tương truyền rằng, thuở dựng làng lập ấp, những bậc mở cõi của làng Bích La đã xây đình, trước đình có một hồ nước trong xanh, là nơi trú ngụ của một con rùa vàng. Mỗi năm, vào mùng 3 Tết Âm lịch, dân làng Bích La lại tề tựu về đình làng để thắp hương, tri ân những bậc tiền bối, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống an lạc. Cứ mỗi lần như vậy, rùa vàng lại nổi lên mặt nước như để chứng giám cho những lời nguyện cầu tốt đẹp ấy...

Nhưng bỗng một năm, khi hương nến đã được thắp lên mà rùa vàng vẫn không thấy, nhiều vị chức sắc trong làng cho đó là điều chẳng lành. Quả nhiên, đó là năm mà người Bích La “trồng đậu đậu úa, trồng lúa lúa khô, trồng ngô thì ngô khô quắt lại”, đời sống cơ cực trăm bề…

Từ năm sau, dân làng Bích La đã bàn bạc nhau sau khi thắp hương ở đình làng vào rạng sáng mùng ba Tết, họ sẽ tập trung thật đông bên ao đình. Người đốt đuốc, người khua chiêng múa trống để gọi “rùa vàng” nổi lên, ban phát “phúc, lộc, thọ” cho dân làng. Quả nhiên, năm đó rùa vàng nổi lên thì đời sống người dân trong thôn làng được sung túc, no ấm. Cứ thế lễ cúng cầu thần rùa vàng đình Bích La được tổ chức hàng năm.

Ông Lê Cảnh Phong, trưởng thôn Bích La Đông cho biết, được thành lập vào năm 1527, làng Bích La ngũ giáp có một bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Trong dòng chảy của 5 thế kỷ, người Bích La ngũ giáp luôn tự hào, luôn bảo lưu và tôn tạo những công trình di sản truyền thống văn hóa phi vật thể...

"Lễ hội truyền thống Chợ đình đầu Xuân của người dân Bích La đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, thăm hỏi nhau và trao đổi một số mặt hàng nông sản cây nhà lá vườn, đồng thời là dịp trao đổi bán mua lộc cầu may đầu năm của mọi người...", ông Phong chia sẻ.

img

Ngoài những cành lộc là nhánh chè xanh hay cây phát tài, sản vật không thể thiếu tại phiên chợ là cau, trầu...

img

Quả thơm (dứa), nải chuối...

img

... Hay đó là những thẻ nhang, bật lửa để du khách về trẩy hội chợ đình thắp cầu lộc cầu tài, cầu năm mới bình an

img

Các sản vật địa phương được người dân bày bán dọc 2 bên con đường nhỏ vào không gian Chợ đình Bích La, đây cũng là không gian dành cho người đi bộ trong suốt thời gian diễn ra phiên chợ lúc giữa đêm

img

Những sản vật được bày bán rất đa dạng và rất đỗi mộc mạc, chẳng hạn như quả sung tượng trưng cho sự sung túc, cây mía tượng trưng cho sự ngọt ngào, hạt muối tượng trưng cho sự mặn nồng, hay trầu cau tượng trưng cho sự bền chặt, keo sơn…

img

Tiếng nói cười của khách trẩy hội cùng tiếng người bán chào mời khách mua những cành “lộc” đầu năm... chộn rộn cả một vùng quê

img

Bên cạnh những cành lộc, mặt hàng người đàn ông (bên phải) bán tại phiên chợ là bịch muối hạt cùng chiếc bật lửa đựng trong chiếc túi xinh xắn

img

Mỗi chiếc túi "may mắn" này được bán 10.000 đồng

img

Đến với chợ đình, ai ai cũng mua cho mình ít… “lộc” đầu năm mang về nhà. Nhiều bạn trẻ đang trẩy hội tại không gian lễ hội chợ đình cũng đã mua cho mình những cành lộc đầu năm

img

Người dân, du khách vào trong đình để thắp hương cầu may mắn trong gia đình dịp đầu năm mới

img

Không gian thư pháp tại không gian lễ hội

img

Tại đây, khách du xuân cần "xin" chữ gì sẽ được "thầy đồ" viết tặng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.