Xã hội

Ngăn tham nhũng đất đai: Bí thư, Chủ tịch làm sai, thanh tra có dám chỉ ra?

28/06/2021, 15:30

Nếu Bí thư, Chủ tịch làm sai, mắc khuyết điểm, câu hỏi đặt ra là thanh tra địa phương có dám chỉ ra hay không?

img

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Chỉ trong vài năm qua, đã có hàng chục quan chức, cựu quan chức bị kỷ luật, vướng vòng lao lý vì liên quan đến sai phạm đất đai.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhìn nhận, ngoài việc tha hóa về phẩm chất, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do pháp luật về đất đai vẫn còn kẽ hở dễ bị lợi dụng và phần nào đó là cả kẽ hở trong công tác điều hành, quản lý.

Nhiều chiêu thức tinh vi để thâu tóm “đất vàng”

Đầu tháng 6, hai cựu Chủ tịch Khánh Hòa bị bắt, tiếp đó đến Bí thư Bình Dương và nhiều cựu lãnh đạo tỉnh này cũng bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật, đề nghị kỷ luật… tất cả đều liên quan đến sai phạm đất đai. Theo ông nhìn nhận, vì sao đất đai lại là lĩnh vực dễ khiến các quan chức dính sai phạm đến vậy?

Thực tế, trước đây trong một thời gian dài, chúng ta quản lý đất đai chưa chặt chẽ, đặc biệt là định giá các khu đất để bán hoặc giao cho các chủ thể tư nhân. Chính vì thế, một bộ phận cán bộ không vững vàng về lập trường chính trị, muốn trục lợi cá nhân đã vướng vào sai phạm.

Trong thời gian qua, hàng loạt cán bộ đã bị xử lý nghiêm khắc vì sai phạm đất đai, kể cả những người đã về hưu. Điều này cho thấy chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là sai phạm đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, người mắc sai phạm không thể hạ cánh an toàn.

Thực tế các vụ việc cũng cho thấy số tiền mà Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án liên quan đến đất đai là rất lớn. Đây lẽ ra phải là nguồn lực đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội, song lại thất thoát nghiêm trọng, rơi vào túi một nhóm người,

Theo ông, tham nhũng về đất đai thường được biểu hiện ra sao, có dễ nhận diện không?

Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì đất đai được định giá thấp, sau đó họ tìm cách mua bán, thâu tóm những khu đất đó. Đây là hình thức phổ biến diễn ra trong thời gian qua.

Hay là việc ký kết hợp đồng liên danh, đổi đất lấy hạ tầng với các doanh nghiệp “sân sau, cánh hẩu” để mang lại lợi ích phi pháp cho cả hai bên.

Đặc biệt là việc giao đất, bán đất đó không qua đấu giá, đấu thầu theo quy định, thậm chí có nhiều trường hợp vượt thẩm quyền của người ký quyết định giao đất hay bán đất.

Ngoài ra còn hình thức bán đất công cho doanh nghiệp tư nhân với giá rẻ mạt, so với thị trường thấp hơn hàng chục lần.

Việc định giá đất không theo quy định thị trường, không thông qua đấu giá cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tham nhũng về đất đai.

Đây là những hành vi nhằm qua mắt dư luận, qua mắt cơ quan chức năng để hợp thức hóa việc thâu tóm những khu đất vàng.

Vẫn còn “kẽ hở” cho tham nhũng đất đai

Chúng ta không thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh, ngăn ngừa vi phạm, song vì sao “đất vàng” vẫn bị thâu tóm, bán rẻ một cách dễ dàng? Phải chăng vì vẫn còn những kẽ hở?

Đúng là luật pháp và các cơ chế pháp lý của chúng ta chưa được đồng bộ, đầy đủ. Điều này thể hiện từ việc quy định giá đất đai theo khu vực đến quy định khung giá đất. Từ đó dẫn đến trong việc mua bán, cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước đã bị lợi dụng.

Chúng ta phải xem xét, bổ nhiệm những người đủ đức, đủ tài vào các hoạt động quản lý xã hội, kinh tế. Nếu vị cán bộ nào cảm thấy không có hiểu biết thì lúc được bổ nhiệm, phân công nên xin không nhận nhiệm vụ để người khác có năng lực và đạo đức tốt đảm nhiệm vị trí đó. Đừng để đến lúc ra toà vì sai phạm, lại đổ cho không có năng lực chuyên môn. Đó chỉ là lời giải thích ngụy biện, lấp liếm.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh


Các quy định về thẩm quyền với người được ký kết các văn bản liên quan đến đất đai cũng có những kẽ hở. Từ đó họ có thể lợi dụng phục vụ cho lợi ích nhóm bất hợp pháp.

Quy chế về đấu giá về đất đai, cách thức sử dụng đất trong các doanh nghiệp Nhà nước cũng thiếu tính cụ thể, rõ ràng. Tiếp đến là không thể phủ nhận việc một số bộ phận cán bộ phẩm chất đạo đức xuống cấp, làm việc chỉ tư lợi cá nhân, lợi ích nhóm, cố tình vi phạm pháp luật.

Vậy cần làm gì để ngăn chặn tham nhũng liên quan đến đất đai, thưa ông?

Chúng ta cần rà soát những quy định về đất đai, về đấu thầu, về cơ chế kiểm tra, giám sát các quan chức có quyền lực. Cần có những chế tài để làm sao để những người có chức có quyền không muốn, không dám và không thể tham nhũng.

Ngoài ra, công tác thanh tra, hậu kiểm cần phải quyết liệt hơn. Nếu Bí thư, Chủ tịch tỉnh mắc khuyết điểm, thanh tra địa phương phải dám chỉ ra. Có như thế, mới không để xảy ra tình trạng nhiều vụ việc tham nhũng về đất đai diễn ra hàng chục năm mới bị phát hiện, xử lý, dẫn đến tài sản tham nhũng có thể bị tẩu tán. Như vụ cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vi phạm từ những năm 2006 - 2010, nhưng vừa qua mới được phát hiện và xử lý.

Sai phạm về đất đai thường tinh vi, những người phạm tội thường là những người có chức quyền nên khó phát hiện sớm, ông có nghĩ như vậy?

Như tôi vừa nói ở trên, là do cơ chế quản lý giám sát của chúng ta đang có vấn đề. Từ quy định của Nhà nước cho đến việc thực hiện của cơ quan chức năng chưa đầy đủ. Cơ chế kiểm tra, giám sát của chúng ta là có, nhưng đôi khi vì lý do nào đấy lại không có ý nghĩa.

Không chỉ riêng 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng đâu, mà ngay cả một trong hai cựu Chủ tịch UBND Khánh Hòa vừa bị khởi tố cũng vi phạm từ khá lâu rồi đến nay mới bị xử lý.

Rõ ràng ở đây có vấn đề trong khâu kiểm tra, giám sát quyền lực. Phải chăng có sự “kiêng nể” khi thấy có dấu hiệu sai phạm của các cơ quan kiểm tra trực thuộc tỉnh, bộ ngành? Ví dụ khi phát hiện sai phạm của Bí thư, Chủ tịch tỉnh, ngay người đứng đầu tổ chức khác thì cơ quan thanh tra tỉnh đó, cơ quan đó có dám chỉ ra và công khai không?

Đã là quan chức, đừng nói không có chuyên môn

img

Liên quan đến sai phạm tại khu đất vàng 43ha tại TP Thủ Dầu Một, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật hàng loạt lãnh đạo tỉnh Bình Dương, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam

Nhiều vụ án liên liên quan đất đai, khi đưa ra xét xử, các cựu quan chức thường vin lý do “không có chuyên môn về kinh tế và quản lý đất đai” để biện minh cho hành vi của mình. Ông nhìn nhận việc này thế nào?

Đây là những lý do khó có thể chấp nhận, bởi trước khi được giao nhiệm vụ thì bản thân cán bộ phải học hỏi về lĩnh vực đó. Đặc biệt là những quan chức lãnh đạo thì họ hoàn toàn có quyền để tham khảo ý kiến của nhà chuyên môn. Thậm chí là có thể thuê các chuyên gia để người ta góp ý kiến.

Nếu tự mình nắm được tất cả là điều tốt, nhưng cũng không ai đòi hỏi người lãnh đạo phải biết chuyên sâu tất cả các lĩnh vực. Một vị Chủ tịch tỉnh, hay Bí thư tỉnh họ có đầy đủ các sở, các cán bộ chuyên môn ở nhiều lĩnh vực có thể chỉ đạo tham mưu.

Những vị mà cho rằng mình không có chuyên môn nên mới mắc ra sai phạm nghiêm trọng như vậy thì tôi cho rằng họ không xứng đáng để ngồi ở những vị trí như vậy từ lâu rồi, chứ không phải ra tòa để nói câu đó nữa.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.