Pháp luật

Ngang nhiên lập trạm thu tiền trên đường liên xã

05/10/2017, 13:30

Tài xế đi trên đường liên xã của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đều phải nộp “phí” từ 15.000 - 50.000 đồng.

19

Gia đình ông Đinh Văn Phương lập ""trạm barie"" để thu phí các xe ô tô qua lại

Gần 2 tháng nay, các tài xế đi trên đường liên xã của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đoạn thôn Sông Con, xã Sơn Quang đều phải nộp “phí” từ 15.000 - 50.000 đồng. Dù rất bất bình nhưng vì không có đường nào khác nên nhiều tài xế phải ngậm ngùi móc tiền ra nộp. Sự việc đã diễn ra trong một thời gian nhưng địa phương đang tỏ ra lúng tùng vì... chưa có quy định nào để xử lý (?).

Muốn qua phải... nộp tiền

Chiều 2/10, PV Báo Giao thông có mặt trên tuyến đường vào trung tâm xã Sơn Quang. Theo quan sát, tuyến đường cơ bản đã được hoàn thành, người và phương tiện lưu thông khá nhiều và thuận lợi. Tuy nhiên, khi đi đến thôn Sông Con còn khoảng 600m chưa thi công. Đường đất lầy lội, một số đoạn người dân đổ gạch, vữa để lót cho phương tiện đi lại dễ dàng hơn.

Tại đoạn đường trước cửa gia đình ông Đinh Văn Phương, một “trạm barie” dựng lên, chắn ngang đường chỉ để một lối nhỏ cho phương tiện thô sơ đi qua. Một tài xế xe tải (xin được giấu tên) bức xúc: “Xe tôi thường xuyên qua đoạn đường này để chở thông cho người dân. Mỗi lần đi qua đây đều phải “nộp phí”. Lúc đầu, tôi không đồng ý, nhưng sau gia đình ông Phương trình bìa đỏ ra nói đường đi qua nhà ông ấy, nếu không “nộp phí” không được đi. Vòng ra QL8A thì xa hơn cả mấy chục km nên đành chịu nộp tiền để đi”.

Ngày 21/3/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường vào trung tâm xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn. Tuyến đường có tổng chiều dài 4.634m; điểm đầu Km 0+00 giao với QL8A tại Km 42+039, điểm cuối Km 4+634 giao với đường Tây - Lĩnh - Hồng. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 148 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, GPMB là hơn 2,2 tỷ đồng. Công trình do UBND huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư, nguồn vốn từ Trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Anh Đinh Văn Tân, con trai ông Phương cho biết, “trạm barie” này do gia đình tự lập lên được khoảng 2 tháng. Mỗi ô tô đi qua gia đình thu từ 15.000 - 50.000 đồng. Lý giải việc lập “trạm barie” rồi thu phí của các tài xế, anh Tân cho biết, năm 2013, huyện triển khai thi công tuyến đường vào trung tâm xã. Xã Sơn Quang vận động người dân trong xóm hiến cây xanh. Riêng đất vườn thì xã lấy đất ở sân vận động xóm đổi để dân canh tác, đồng thời hứa sẽ làm bìa đỏ như đất trước khi đổi.

“Gia đình tôi đã đồng ý đổi đất, sản xuất được mấy vụ ngô ở đó. Nhưng đến cuối năm 2016, bìa đất mới (sau khi đổi đất) vẫn chưa được cấp thì người dân trong xóm bất ngờ lấy lại đất ở sân vận động. Cùng lúc này, có thông tin dự án làm đường có tiền bồi thường nên các gia đình mất đất quay lại lấy đất vườn đã đổi. Khoảng gần 2 tháng nay, xe ô tô chở hàng chạy qua khiến vườn lầy lội, gia đình phải mua và xin đất đá về lót. Việc thu tiền là để bù vào tiền gia đình bỏ ra sửa đường. Số tiền thu đó cũng đã được gia đình thỏa thuận với các lái xe”, anh Tân cho hay.

“Chưa có quy định xử lý”

Thừa nhận vụ việc trên, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Sơn Quang cho biết, việc gia đình ông Phương lập “trạm barie” thu phí là có thật nhưng đến nay xã vẫn chưa nhận được phản ánh nào từ các tài xế.

Theo ông Lĩnh, năm 2011, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án đường vào trung tâm xã Sơn Quang (nối liền 3 xã Sơn Quang - Sơn Lĩnh - Sơn Hồng). Dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng chiều dài hơn 4km. Năm 2013, dự án chính thức triển khai, nhưng vì không có nguồn vốn để GPMB nên xã đã vận động người dân hiến tài sản trên đất. Riêng đất vườn của dân sẽ được đổi lấy đất ở sân vận động xóm (vì theo tiêu chuẩn nông thôn mới, sân thể thao của thôn Sông Con không đủ tiêu chuẩn). Đến cuối năm 2016, do dự án thi công chậm trễ, quá trình làm bìa đỏ mới cho dân cũng bị chậm, cộng thêm việc không tìm được vị trí mới cho sân vận động nên người dân trong thôn Sông Con đã đòi lại đất sân vận động cũ. Mất đất canh tác, 21 hộ dân trước đây đã đồng ý đổi đất quay về đòi lại vườn.

“Để xử lý việc thu tiền của người dân rất khó, đó là đất của dân, đã được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Việc thu - nộp tiền là do 2 bên thỏa thuận. Trong khi đó, chúng tôi cũng chưa thấy văn bản nào quy định việc xử lý tình huống này. Cho nên, sau khi nghe thông tin, xã cũng chỉ tuyên truyền, giải thích để người dân không được làm như thế. Nếu không muốn phương tiện đi qua vườn nhà mình thì hướng dẫn các phương tiện đi hướng khác. Xã cũng đã báo cáo lên huyện để xin hướng xử lý”, ông Lĩnh cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn chia sẻ, dự án đường vào trung tâm xã Sơn Quang được UBND tỉnh phê duyệt từ nguồn Trái phiếu Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác, trong đó có kinh phí GPMB. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nguồn vốn từ trái phiếu không có, nguồn ngân sách tỉnh tiết kiệm thì nhỏ lẻ, không đủ để chi cho công tác đền bù. “Hiện, nguồn vốn vẫn chưa có nên dự án phải tạm dừng dở dang để không gây nợ đọng. Còn việc người dân tự ý lập rào chắn để thu tiền của lái xe, huyện đã và đang tiếp tục chỉ đạo xã tuyên truyền, vận động người dân”, ông Thọ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.