Văn hóa - Giải Trí

Ngang nhiên rao bán USB nhạc cho ô tô vi phạm bản quyền

12/04/2018, 10:05

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều USB chứa sẵn những bài hát, video ca nhạc được cánh lái xe ưa chuộng.

19

Trên thị trường xuất hiện nhiều USB chứa sẵn những bài hát, video ca nhạc đang được lái xe ưa chuộng

Theo các chuyên gia, việc sao chép nhạc từ các đĩa CD hay tải trên mạng về nhằm mục đích kinh doanh là hành vi bất hợp pháp, vi phạm Điều 26, Luật Sở hữu trí tuệ.

Cần là có

USB sẵn nhạc, bài hát cho ô tô hiện nay được bày bán công khai với địa chỉ cụ thể cùng nhiều hình thức quảng cáo trên các website, mạng xã hội. Anh Trần Văn Bình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chỉ cần lên mạng gõ “USB sẵn nhạc trên ô tô” là ra kết quả hàng loạt địa chỉ rao bán sản phẩm này. “Ngay sau khi để lại tin nhắn kèm số điện thoại, nhân viên shop sẽ chủ động gọi cho khách hàng và tư vấn nhiệt tình. Mình thích loại nhạc nào, ca sĩ nào, từ cũ hay mới ra đều có hết”, anh Bình nói.

Hiện nay, trên những dòng ô tô đều được trang bị rất nhiều tính năng an toàn, đặc biệt trong đó có tính năng không kích hoạt video khi đang lái xe. Muốn xem video từ USB, người sử dụng phải về số đỗ và kéo phanh tay. Thế nhưng vì muốn xem video khi xe đang chạy nên nhiều chủ xe phải can thiệp bằng phần mềm. Việc xem video khi xe đang lưu thông sẽ gây ảnh hưởng rất lớn, có thể gây TNGT. Điều này cũng trái với khuyến cáo sử dụng của các hãng xe hơi. Thậm chí, có thể dẫn đến việc hãng xe từ chối bảo hành.

Tuy nhiên, khi được hỏi về bản quyền sản phẩm. anh Bình cười: “Thấy tiện mua thôi, giá cả cũng phải chăng nên không mấy ai để ý tới chuyện bản quyền”. Thực tế, sản phẩm này bán rất chạy và thu hút phần lớn khách trung tuổi. Tham khảo fanpage của một cửa hàng trên Facebook, lượng đặt hàng khá lớn. Khách hàng chỉ quan tâm chất lượng âm thanh tuyển lựa từ CD gốc hay hình ảnh HD mà không cần quan tâm nguồn gốc hay bản quyền âm thanh, hình ảnh.

Trong vai một khách hàng, chúng tôi liên hệ với cửa hàng bán USB sẵn nhạc nghe trên ô tô tại phố Phạm Huy Thông (Ba Đình, Hà Nội). Tại đây, nhân viên bán hàng tư vấn rất nhiệt tình về giá cả, dung lượng từng sản phẩm. Đặc biệt, nhân viên nhấn mạnh, sản phẩm luôn có sẵn, có thể mua bất cứ lúc nào tại cửa hàng hoặc giao tận nơi trong giờ hành chính.

Theo đó, tùy theo chất lượng, dung lượng sản phẩm, giá bán dao động từ 290.000 - 490.000 đồng một USB nhạc tiếng và 390.000 - 690.000 đồng đối với một USB nhạc hình. “Cửa hàng còn phục vụ dòng USB cao cấp dành riêng các hãng xe và thể loại nhạc yêu cầu. Ngoài ra, khách hàng có thể đặt USB với dung lượng cao hơn theo nhu cầu sử dụng”, nhân viên tư vấn nói.

Vi phạm bản quyền âm nhạc

Được biết, việc sản xuất các USB nhạc cho ô tô có cách thức khá đơn giản. Chủ cửa hàng mua các USB thông thường theo hãng, rồi sao chép các bản nhạc từ đĩa CD, tải qua bluetooth, trên mạng... về USB rồi bán cho khách hàng. Việc này đã tồn tại nhiều năm nay mà ít người biết rằng, hành vi đó đang vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT).

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Phans, việc sao chép nhạc từ các đĩa CD hay tải trên mạng về để nhằm mục đích kinh doanh là hành vi vi phạm Điều 26, Luật SHTT. “Đã kinh doanh phải xin phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Đồng thời, hành vi đó cũng vi phạm quyền liên quan theo Điều 33 (Luật SHTT) vì không xin phép chủ sở hữu quyền liên quan. Khi sao chép nhạc sang USB là họ đã sai, vì tạo ra một bản sao mà không được sự đồng ý của tác giả. Sau đó, lại đem bản sao đó đi kinh doanh lại càng vi phạm luật. Thực tế, nếu bạn tạo ra một bản sao, tùy từng trường hợp sẽ xem xét có vi phạm Luật SHTT hay không. Nếu sử dụng cho mục đích cá nhân thì hầu như không vi phạm, nhưng đem kinh doanh lại là chuyện khác”, luật sư Tuấn phân tích.

Trao đổi nhanh qua điện thoại với PV, ông Hoàng Văn Bình, Phó giám đốc chi nhánh phía Nam của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, việc sao chép bài hát sang USB là bất hợp pháp. Hiện tại, xử lý vấn đề này đang nằm trong kế hoạch của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). “Đó không phải hành động của một công ty mà là của cá nhân. Xử lý chuyện này cần phải có sự phối hợp với các cơ quan an ninh, quản lý văn hóa. Do thuộc về công tác quản lý Nhà nước nên trung tâm sẽ có văn bản kiến nghị để cùng phối hợp xử lý”, ông Bình nói và cho biết, VCPMC sẽ có phản hồi cụ thể chính thức về vụ việc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.