Đời sống

Ngành BHXH “nước rút” 3 tháng cuối năm

10/10/2019, 18:18

Riêng trong tháng 9/2019, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng 120 nghìn người so với tháng trước.

img
Toàn ngành BHXH "nước rút" công tác thu trong 3 tháng cuối năm 2019

Vượt 1,8% chỉ tiêu người dân tham gia BHXH

Tính đến 30/9, số người tham gia BHXH bắt buộc cả nước đạt gần 14,8 triệu người, bằng 96,5% kế hoạch giao (tăng 117.282 người so với tháng 8/2019 và tăng 316.307 người so với tháng 12/2018). Thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 72,4% kế hoạch giao.

Trong tháng 9, BHXH Việt Nam tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng 120.000 người so với tháng 8/2019. Đáng chú ý, cơ quan BHXH một số tỉnh, thành phố lớn tập trung khai thác đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đạt hiệu quả như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đang trên đà tăng cao. Hết tháng 9 cả nước đã vận động được 463.105 người (tăng 26.017 người so với tháng 8/2019).

Như vậy, 3 tháng cuối năm còn phải phát triển 27.600 người tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều địa phương đã phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao hơn tỉ lệ chung là: Sơn La, Hưng Yên, Cà Mau, Hà Nam, Điện Biên. Đặc biệt, có 5 địa phương phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện cao trong 9 tháng đầu năm 2019 là: Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Dương và Sơn La.

Đáng chú ý, đến nay, cả nước đã có 89,9% dân số tham gia BHYT- vượt 1,8% so với Quyết định 1167 của Thủ tướng Chính phủ giao.

Ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết: đến nay, Bắc Giang đã hoàn thành 4 chỉ tiêu cơ bản, đặc biệt chỉ tiêu phát triển BHXH đạt 103%, cao nhất nước do ngay từ đầu năm, Bắc Giang đã xác định tập trung công tác mở rộng đối tượng và thu hồi nợ đọng. “Trong năm 2019, mục tiêu Bắc Giang hoàn thành số người cũng như số DN tham gia BHXH. UBND tỉnh đã chỉ đạo 80% số DN hoạt động trên địa bàn phải tham gia BHXH và sẽ quy trách nhiệm đến từng ngành. Bắc Giang cũng đã thành lập BCĐ phát triển BHXH, BHYT đến năm 2030; duy trì tháng 11 hằng năm là tháng vận động người dân tham gia BHYT...”- ông Lại nhấn mạnh.

Rốt ráo hoàn thành công tác thu

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền hiện còn phải thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (không bao gồm NSNN, Vinashin, Vinaline) đến 30/9 là 14.876 tỉ đồng (chiếm 4,1% số phải thu). Cả nước còn 32.205 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 3- 6 tháng với số tiền 987 tỉ đồng (tăng 118 đơn vị với số tiền 48 tỉ đồng so với tháng 8); 12.849 đơn vị với 745 tỉ đồng (giảm 13 đơn vị và số tiền nợ tăng 41 tỉ đồng) nợ từ 6- 12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỉ đồng (giảm 1.299 đơn vị và số tiền giảm 39 tỉ đồng) nợ trên 12 tháng.

Để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: “Từ nay đến cuối năm, trong phạm vi của mình, Ban Thu sẽ trực tiếp kiểm tra, giám sát chất lượng công việc của các tỉnh; tập trung thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị nợ, chưa tham gia BHXH cũng như đơn vị tham gia BHXH chưa đủ số lao động, đơn vị phải xử phạt vi phạm hành chính.

Đồng thời, bám sát và đôn đốc các đơn vị SDLĐ, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT, cơ quan tài chính chuyển đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng và số tiền còn phải thu của những tháng trước; Tiếp tục phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đặc biệt phát triển BHXH tự nguyện đối với lao động mới nghỉ việc. Hằng tháng, đề nghị BHXH các địa phương báo cáo cấp uỷ, chính quyền về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý; rà soát việc thực hiện quy trình đôn đốc thu nợ và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Nợ BHXH phải xử lý dứt điểm để không ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm toàn ngành còn phải phát triển 533.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, các địa phương cần có giải pháp quyết liệt để hoàn thành và hoàn thành vượt mức số người tham gia…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.