Hàng hải

Ngành cảng biển đối mặt nhiều rủi ro cuối năm

29/09/2022, 19:01

Theo các chuyên gia, ngành cảng biển của Việt Nam trong quý IV phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro.

Tại Hội thảo trực tuyến về Tiềm năng ngành cảng biển Việt Nam diễn ra chiều 29/9, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định về cơ hội cho ngành cảng biển Việt Nam.

Nhìn nhận về những cơ hội và thách thức với ngành cảng biển, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc CTCP Gemadept, cảng biển là tài nguyên đặc biệt. Việt Nam có nhiều ưu thế khi có gần nửa số tỉnh thành có biển. Do đó, cần khai thác cảng biển một cách khôn ngoan, hiệu quả, lâu dài.

img

Ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng Giám đốc CTCP Gemadept

Chính phủ cũng đang đặt trọng tâm phát triển kinh tế biển, trong đó tập trung phát triển các cảng nước sâu, xây dựng hệ thống giao thông đường biển để thuận tiện vận chuyển hàng hóa, tham gia vào chuỗi cung ứng tiện lợi với sự phát triển của thế giới.

Tuy nhiên, ông Bình dự báo trong quý 4, sẽ là giai đoạn khó khăn với các cảng biển về hàng hóa vì tình trạng suy thoái toàn cầu. Áp lực về tài chính, nhu cầu về hàng hóa tại các thị trường chính như châu Âu, Mỹ đang giảm sút cũng là một trong những vấn đề có thể tạo nên khó khăn cho tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam.

“Việt Nam đang đối mặt với sự tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, xuất nhập khẩu và cảng biển là nơi cần phải xử lý tốt. Cảng biển là tài sản cần thời gian đầu tư lâu, thường phải đi trước đón đầu, đi trước tốc độ tăng trưởng. Quy hoạch về cảng biển hiện nay đủ để đáp ứng nhu cầu về xuất nhập khẩu, song cầu lưu ý thực hiện quy hoạch đúng tiến độ so với kế hoạch đã đặt ra”, lãnh đạo Gemadept chia sẻ.

Đồng quan điểm, theo bà Chế Thị Mai Trang - Trưởng phòng phân tích cao cấp, Ngành hàng công nghiệp (HSC) đánh giá trong ngắn hạn, các yếu tố rủi ro của ngành đang gia tăng với những vấn đề như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột Nga - Ukraine làm tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu chậm lại, giảm tốc tới 6%.

“Rủi ro chung là tốc độ tăng trưởng toàn cầu sụt giảm. Mỹ và EU là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam nhưng hiện nay, tốc độ tiêu thụ của 2 khu vực này đang giảm tốc”, bà Trang cho hay.

img

Bà Mai Trang đánh giá, ngành cảng biển của Việt Nam có nhiều lợi thế từ vị trí địa lý, nhân công giá rẻ, Việt Nam cũng ký kết nhiều hiệp định trong phát triển kinh tế...

Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ phát triển của Việt Nam khá ấn tượng tới tỷ lệ tăng trưởng khoảng 14%. Sản lượng container cũng tăng trưởng khoảng 13%/ năm.

Tuy nhiên thời gian qua, nhiều yếu tố tác động tới ngành vận tải biển. Theo dữ liệu từ Cục Hàng hải VN, sản lượng hàng hóa qua cảng biển trong 8 tháng đầu năm đang đi ngang so với cùng kỳ năm 2021. Về điều này, bà Trang nhận định, sản lượng hàng container cũng có thể xuống thấp hơn.

Dù vậy, vị này phân tích thêm, Trung Quốc cũng là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam. Hiện nay, việc quốc gia này duy trì chính sách Zero Covid gây ra những ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng. Nếu cuối năm 2022, Trung Quốc mở cửa, yếu tố đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết 1 phần. “Nếu việc giao thương với Trung Quốc được cải thiện, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho cảng biển Việt Nam”, bà Trang đánh giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.